Pang: Một phong tục đẹp trong đời sống của người Tày-Nùng ở vùng cao phía Bắc
Pang theo chiết tự tiếng Tày có nghĩa là gửi. Phần lớn người Tày-Nùng khi trong bản có gia đình cưới xin, ma chay, lễ lạt… đều tự động mang gạo, gà, rượu đến góp với gia chủ. Điều này đã trở thành một mĩ tục thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong đời sống sinh hoạt và trở thành nét văn hóa đặc sắc giàu tính nhân văn của bộ phận cư dân Tày-Nùng. Xuất phát của mĩ tục này có lẽ từ sự thiếu thốn về vật chất và hơn cả là sự quan tâm giúp đỡ biểu hiện cho sự đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Những sản vật mang đến góp cho gia chủ được gia chủ ghi chép vào một cuốn sổ, để đến khi nhà người khác có việc sẽ mang đến gửi trả đầy đủ và đóng góp thêm nếu có điều kiện. Pang đã đi vào đời sống sinh hoạt của người Tày-Nùng từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác bởi đơn giản nó là một mĩ tục và là một phần không thể thiếu trong văn hóa ứng xử trong cộng đồng Tày-Nùng.
Nhiều đôi đến được với nhau, thành vợ, thành chồng, nhiều gia đình khó khăn có tiền lo ma chay lễ lạt, lo đầy tháng, cúng giỗ… đều nhờ vào mĩ tục này. Không cần ai nhắc, không cần ai bảo, mỗi người trong cộng đồng Tày-Nùng tự ý thức cần phải đóng góp để việc làng, việc bản được diễn ra suôn sẻ, để phần nào bớt được gánh nặng về vật chất cho gia chủ. Người có của, người có công cứ vậy kéo đến giúp sức. Ai có gì mang nấy, có khi là con gà, chai rượu, đôi khi là yến gạo, chục trứng, người không có của thì góp công dựng rạp, bếp núc dọn dẹp, mượn đồ, xào nấu…
Trước khi có việc gia chủ thông báo với bà con họ hàng, chòm xóm trước vài ngày còn với cưới xin có câu “slắng lẩu cẩu vằn” nghĩa là báo trước chín ngày vừa đủ để nhớ, không quên, và cũng đủ thời gian cho khâu chuẩn bị. Và cũng chính thời gian này gia chủ nhận được sự giúp đỡ bằng hiện vật, bằng sức lao động. Người trong bản cùng chung tay dựng rạp, lấy củi làm mặt bằng… gia chủ lúc này chỉ còn phải lo những cái chính như mua sắm, làm lễ, rồi mời họ hàng, đón thầy Mo, thầy Tào.
Với mĩ tục này của đồng bào Tày-Nùng, cuộc sống, tình cảm của những người trong bản, trong họ tộc càng trở nên khăng khít hơn, và Pang đã kéo họ đến gần nhau hơn, bởi vậy tính cộng đồng của các cư dân vùng núi phía Bắc rất cao. Đó là nét văn hóa đặc sắc cần được gìn giữ và phát huy.