Hành trang lữ khách

Du lịch Lai Châu

Cập nhật: 02/12/2009 08:12:17
Số lần đọc: 3676
Khi nhắc đến Lai Châu, có lẽ không ít người nghĩ đó là vùng đất nghèo bộn bề khó khăn. Mảnh đất "ở ven trời Tây Bắc" này ẩn chứa rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, trong đó, với diện tích tự nhiên trải rộng, địa hình đa dạng, nhiều cảnh quan đẹp tạo cho Lai Châu tiềm năng phát triển các loại hình du lịch: sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chữa bệnh, mạo hiểm...

Đến Lai Châu, du khách được thăm các di tích lịch sử văn hoá, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên và khám phá văn hoá của các bản làng người dân tộc thiểu số, thưởng thức các làn điệu dân ca và các món ăn đặc sản núi rừng Tây Bắc... Trải khắp các địa phương là những điểm di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng.

 

Trên đường từ Lào Cai vào thị xã Lai Châu, đến địa phận xã Bình Lư, huyện Tam Đường, du khách sẽ thấy khu du lịch động Tiên Sơn nằm kề đường 4D. Động có cảnh đẹp hùng vĩ, gồm 49 cung nối tiếp nhau chạy dài thông qua hai sườn núi. Trong động có nhiều thạch nhũ muôn hình muôn vẻ, mầu sắc huyền ảo. Đến đây, du khách như lạc vào mê cung của cảnh sắc và hưởng không khí trong lành, mát dịu sau chặng hành trình vất vả.

 

Từ động Tiên Sơn đi khoảng 7 km là tới thác Tác Tình cao hơn 50m gồm 2 tầng nước chảy quanh năm. Dưới chân thác là hồ nước nhỏ trong vắt.

 

Cách thị xã Lai Châu hơn 50 km, Sìn Hồ được coi như Sa Pa thứ hai của Tây Bắc. Dọc hai bên đường lên Sìn Hồ thỉnh thoảng bắt gặp những thác nước nhỏ chảy xen tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách. Sà vào chợ Sìn Hồ bày bán đủ các thứ hàng hóa. Phụ nữ dân tộc xuống chợ xúng xính trong bộ váy thổ cẩm sặc sỡ. Du khách còn không quên thưởng thức những món đặc sản như: thịt trâu quấn lá lốt, thịt dê hấp, lợn bản, cá suối, xôi nếp nương... Sìn Hồ có dinh thự của vua Thái Đèo Văn Long; bia Lê Lợi được khắc trên vách đá Pú Huồi bờ Bắc sông Đà từ năm 1432 vẫn còn rõ nét chữ: "Hình bóng cỏ cây và tiếng gió thổi hạc kêu cũng làm quân giặc kinh sợ/ Non sông này nhập vào một bản đồ/ Đề thơ khắc lên đá núi trấn giữ phía Tây nước Việt ta".

 

Trên đường vào Sìn Hồ, cách thị xã Lai Châu khoảng 5 km là khu hang động Pu Sam Cáp gồm 3 hang rộng, nhiều thạch nhũ rực sắc màu, mang đủ các hình khối theo trí tưởng tượng của du khách.

 

Về Than Uyên, qua cánh đồng Mường Than rộng thứ ba vùng Tây Bắc là đến di tích đèo Khau Co, nơi nghĩa quân địa phương chặn đánh thực dân Pháp ngày 20/11/1886 khi chúng tấn công lên huyện Than Uyên. Hang Che Bó (xã Mường Than) nằm sâu trong lòng núi dài gần 750 km có nhiều nhũ đá, tượng bụt kỳ ảo. Quần thể thắng cảnh Ta Gia có nhiều hang động đẹp; dãy núi đá vôi bạt ngàn với thảm thực vật phong phú; dòng sông Nậm Mu trong xanh cùng với núi rừng tạo bức tranh "sơn thuỷ hữu tình".

 

Ngược huyện Tân Uyên gặp bạt ngàn màu xanh của nương chè nối nhau gợn sóng tới chân núi xa xa. Thị trấn Thân Thuộc xinh xinh chen giữa rừng chè. Những nét văn hoá đậm sắc dân tộc luôn cuốn hút người phương xa về thăm bản nhỏ vắt vẻo lưng dốc…

 

Lai Châu là vùng đất sinh sống của 20 dân tộc, mỗi dân tộc có truyền thống văn hoá mang bản sắc riêng tạo nên sự hấp dẫn. Đến vùng đất này, khách du lịch tìm hiểu các lễ hội đậm chất dân gian như: Hạn Khuống, Lễ hội Mừng măng mọc, hội Hoa Ban, Lễ hội Căm Mường; hội Gàu Tào của người Mông, hội Tủ Cải của người Dao...

 

Tỉnh Lai Châu có Cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng tiếp giáp với Trung Quốc, nên thuận tiện đón khách du lịch. Cùng với các dự án kêu gọi đầu tư khác, lĩnh vực thương mại - du lịch - dịch vụ cần đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; khu công viên, khu vui chơi giải trí; các dự án đầu tư vào các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; dịch vụ khách du lịch lữ hành Quốc tế...

 

Tiềm năng du lịch Lai Châu rất lớn đang chờ được đầu tư, khai thác và đón du khách tới thưởng ngoạn vùng đất dẫu còn nhiều gian khó nhưng mến khách và giàu bản sắc văn hoá các dân tộc…

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục