Hành trang lữ khách

Có một Nha Trang xưa trong lòng thành phố biển

Cập nhật: 04/12/2009 10:13:26
Số lần đọc: 2644
Từ trung tâm thành phố biển Nha Trang, theo đường 23.10 ngược hướng Tây ra phía ngoại ô chừng 2 km, rẽ trái theo hương lộ chừng 800 mét, “quẹo” phải chừng 300 mét là đến thôn Thái Thông (xã Vĩnh Thái, TP.Nha Trang)...

Tại đây, du khách sẽ bắt gặp ngay một không gian  vườn xưa, nhà cổ... gợi về một Nha Trang xưa. Đó là khu du lịch Nha Trang xưa. 

Không làm cái việc ép duyên, bứng ngang  cái chân quê, nền nã, thanh khiết vào chốn phù hoa ồn ào, mà ngược lại, cố giữ  lấy từng nét bản gốc chân quê  ngay chính  không gian làng quê có tự ngàn đời... Đó là  cảm nhận  đầu tiên và xuyên suốt của du khách từng đến “Nha Trang xưa” về cách tổ chức của khu du lịch. 

Ngôi làng Thái Thông vốn là cái “nền” đầy đặn, tinh chất  làm nên không gian “sống” cho khu du lịch Nha Trang xưa. Căn cứ vào sắc phong đầu tiên dưới triều vua Tự Đức (1853) được lưu cùng 6 sắc phong sau này tại đình làng Thuỷ Tú thì làng Thái Thông hình thành cách đây gần 200 năm. Từ cái không gian chừng 2 ha giữa làng Thái Thông lề xưa nếp cũ đó là khu du lịch Nha Trang xưa với một quần thể 11 ngôi nhà còn  tinh nguyên dấu vết xưa cũ, rêu phong. Đó là 7 nhà nghỉ được tổ chức thành 7 căn hộ đơn ẩn dưới luỹ tre, khóm trúc. Bên trong, những vật dụng từ giường, nệm, tủ bàn, đến cái phòng vệ sinh  quây bằng rặng trúc  ken dày rất tiện dụng, mà vẫn giữ được chất lãng mạn thanh thoáng, chân quê. Từ căn phòng đơn này, khách chỉ cần vén màn để ánh sáng tự nhiên ùa vào. Và ngay từ chân cửa sổ là mở ra cánh đồng ngan ngát hương lúa trổ đòng, thoảng chút bảng lảng hương sen. Và vì toàn bộ không gian đồng lúa, rặng dừa, bờ tre đều thuộc sở hữu của “Nha Trang xưa”, nên khách hoàn toàn yên tâm tận hưởng những trong lành giữa lảnh lót tiếng chim. Nhưng độc đáo hơn cả là cụm “nhà cưới” mang đậm phong chất  “Nha Trang xưa”. Với tâm nguyện góp phần truyền giữ lại những nét sinh hoạt truyền thống của làng quê Việt Nam, chủ nhân của Nha Trang xưa dành hẳn một ngôi nhà cổ 3 gian có đầy đủ các phòng thờ chính gian để hai họ thực hiện các nghi lễ dâng hương, kính cáo gia tiên, ông bà. Sau lễ đãi khách tại khu nhà vườn đủ chỗ cho trên dưới 500 khách, đôi vợ chồng mới sẽ cùng gia đình nội ngoại được bố trí về ở hai căn hộ có đủ thiết chế từ bàn thờ gia tiên, phòng khách, phòng hợp hôn, phòng bếp, bàn tre, ghế gỗ... Bên ngoài là những vật dụng sản xuất từ chiếc cối giã gạo, chiếc cày, bừa... tạo  cảm giác như đang sống trong chính không gian xưa cũ.

Đến Nha Trang xưa, du khách chọn cho mình một cái bàn theo kiểu gia đình điền trang trong ngôi nhà cổ, hoặc tìm cái thú thả lỏng mình vào không gian phóng thoáng của thiên nhiên. Trong không gian đồng quê rơm rạ ấy, rộn ràng  hoà âm ếch nhái, cùng vỹ thanh tiếng dế đủ để thực khách có hứng thú  nhấm nháp chén rượu nếp than, con cá đồng nướng trui, món bánh canh đặc sản với nguyên liệu gạo quê... Và điều đặc biệt nhất làm cho món ăn gợi... xưa ấy là cung cách tự cung tự cấp khép kín. Trong khoảng hơn 100 món ăn được đưa vào danh mục “đãi” khách ở Nha Trang xưa, từ những món chân quê như bánh canh, bánh bèo, bánh hỏi, cơm trắng muối mè... đến những món sang hơn như gà, vịt... cũng là gà nuôi vườn, vịt nuôi ruộng, rau đắng, rau má, hành răm ớt tỏi , riềng gừng... tất cả đều được trồng tại chính khuôn viên của làng ẩm thực Nha Trang xưa theo đúng tinh thần “4 tại chỗ”.  Mùa nào thức ấy, nhân viên nhà hàng tự thu hoạch đem ủ, ướp, chế biến thành món ăn theo thực đơn của khách. Và nếu muốn, khách hoàn toàn có thể thưởng thức món bánh xèo nóng ngay cái bàn  bên bếp than hồng. Vừa nhẩn nhấm món bánh xèo nóng, du khách vừa ngắm cô  hàng bánh xèo má chín hồng rảo tay gấp từng lát bánh xèo vào cái rổ tre lót lá chuối chuyển sang bàn khách.

Nguồn: website báo Văn hóa

Cùng chuyên mục