Hành trang lữ khách

Farmtour hút hồn du khách

Cập nhật: 08/12/2009 14:12:40
Số lần đọc: 2735
Farmtour là tên gọi loại hình du lịch nông nghiệp được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai ở 3 tỉnh Tiền Giang, An Giang và Lào Cai. Sau 3 năm thực hiện, farmtour đã khiến du khách rất hào hứng, thích thú.

Tại buổi tổng kết 3 năm thực hiện dự án “Nâng cao năng lực du lịch nông nghiệp” do Trung ương Hội Nông dân VN tổ chức ở An Giang mới đây, nhiều đại biểu đã tỏ ra phấn khởi trước những tín hiệu khả quan của loại hình du lịch mới này.

 

Dân dã, thân thiện


Sau khi được triển khai từ tháng 9/2006, 3 tỉnh Lào Cai, Tiền Giang và An Giang đã nhanh chóng khảo sát, chọn địa điểm  thực hiện farmtour.


Tại Lào Cai, 2 địa điểm được chọn là thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà và thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa.


Tiền Giang chọn xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho và xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành.


Hai xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên và Văn Giáo, huyện Tịnh Biên được chọn thực hiện farmtour ở An Giang.


Theo bà Phạm Thị Thanh Thúy, Phó Ban Quản lý Farmtour tỉnh Tiền Giang, với lợi thế có nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái, các địa phương được chọn trong dự án đã gặp nhiều thuận lợi. “Chúng tôi quan tâm đào tạo kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ cho nông dân nên họ ứng xử với du khách nước ngoài khá tốt. Tại các hộ dân được chọn trong farmtour ở các địa phương ở Tiền Giang, chúng tôi còn đầu tư cơ sở vật chất như sửa sang nhà bếp, nhà vệ sinh, giường ngủ... song vẫn bảo đảm tính dân dã, thân thiện. Điều đó đã phần nào làm hài lòng du khách” - bà Thúy cho biết.


Ông Nguyễn Vĩnh Thắng, Ban Quản lý Farmtour tỉnh Lào Cai, hồ hởi: “Du khách nước ngoài rất thích thú khi được ở lại nhà của người dân tộc để tìm hiểu tập quán sinh hoạt của họ”.


Ông Chau Kim Sary, Chủ tịch HĐND xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên - An Giang, cho biết từ khi farmtour triển khai ở địa phương, bà con nông dân đã nhiệt tình hưởng ứng.


“Ai không vui khi phum sóc mình được đầu tư đường sá; nhà cửa được nâng cấp, sửa chữa sạch đẹp và còn có thêm thu nhập. Cách sống, cách giao tiếp, ý thức bảo vệ môi trường ở cộng đồng đồng bào dân tộc Khmer ở Văn Giáo đã chuyển biến rõ rệt” - ông Kim Sary nhận xét.

 

Cùng ăn, ở, làm với nông dân


Với farmtour, tất cả những gì liên quan đến nông nghiệp đều có thể trở thành sản phẩm phục vụ du lịch. An Giang nổi tiếng với các làng nghề truyền thống, như: dệt lãnh Mỹ A ở Tân Châu, dệt thổ cẩm Khmer ở Văn Giáo, bánh canh – lạp xưởng bò Vĩnh Trung, mắm Châu Đốc...


Ngoài ra, An Giang còn có nhiều điểm du lịch tham quan, mua sắm, như: chợ biên giới Long Bình, huyện An Phú; thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên; khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, huyện Tịnh Biên...


Tại điểm đón du khách farmtour ở xã Văn Giáo, ông Chau Kim Sary cho biết du khách sẽ được đi xe ngựa vào tận phum sóc tham quan. Điểm đến là làng dệt thổ cẩm ở ấp Sray Sakoth, nơi nấu đường thốt nốt ở ấp Mằng Rò, các ngôi chùa Khmer...

 

Ông Châu Văn Ly, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang, tiết lộ: “Tùy theo yêu cầu của du khách, tất cả những gì liên quan đến nông nghiệp chúng tôi đều cố gắng đưa vào farmtour, kể cả tát đìa bắt cá, cắt lúa... Nếu chỉ dừng lại ở việc phục vụ du khách bằng các món ăn đồng quê hay chỉ để họ đứng xem chúng ta thu hoạch lúa, ấn tượng để lại sẽ không sâu sắc. Đơn cử như những lần về Tịnh Biên, du khách nước ngoài vô cùng thích thú khi được xuống đồng cắt lúa. Mồ hôi nhễ nhại nhưng họ rất hào hứng”.


Ông Nguyễn Vĩnh Thắng cho rằng những cánh đồng ruộng bậc thang ở Sa Pa luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách nước ngoài.


“Tại đây có đồng bào dân tộc Dao Đỏ và Tày sinh sống, đời sống sinh hoạt hết sức dân dã của họ cũng trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách. Lễ hội thì dày kín vì Lào Cai có rất nhiều dân tộc thiểu số. Để khám phá nét văn hóa độc đáo đó, du khách phải được ăn, được ở cùng với người dân mới thấy hết sự thú vị” - ông Thắng phân tích.


Đến xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành - Tiền Giang, du khách như bị hút hồn khi ngắm nhìn những cánh vườn cây ăn trái bạt ngàn và được tự tay hái những quả mọng chín trên cành.

 

“Đến nay, hầu hết người dân tại các điểm farmtour đều đồng thuận cao với dự án và mong muốn được phát triển loại hình du lịch mới này” - bà Phạm Thị Thanh Thúy khẳng định.

 

Thích thú với đám cưới người Khmer


Trong chuyến đi khảo sát thực tế địa điểm triển khai dự án farmtour tại xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên - An Giang vừa qua, bà Riane Koopmans, đại diện Tổ chức Nông dân Agritera (đơn vị tài trợ cho dự án Farmtour của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), rất thích thú khi được dự lễ cưới tại gia đình ông Chau Kim và bà Néang Khâm.


Bà Koopmans được chủ nhà mời dùng tiệc hết sức chu đáo, thân tình. Bà Koopmans cũng tỏ ra am hiểu tập quán địa phương khi cũng làm “thủ tục” đi phong bì như bao nhiêu khách mời khác trong sự ngỡ ngàng của mọi người.


Bà Koopmans đã nán lại đến cuối buổi tiệc, xem những nam nữ Khmer múa hát các làn điệu dân ca truyền thống. “Hướng du lịch mới với loại hình farmtour sẽ thành công” – bà Koopmans khẳng định.

Nguồn: Báo NLĐ

Cùng chuyên mục