Chinh phục đỉnh Ba Rá (Bình Phước)
Có thể đi bằng xe ô tô hay xe gắn máy, khách xuất phát từ miền Tây lên TP Hồ Chí Minh. Từ đây đi thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) rồi theo quốc lộ 741 đi Phước Long, chừng 50km đến núi Bà Rá. Núi cách thị trấn Thác Mơ, huyện Phước Long khoảng 5km.
Xe khách, xe máy có thể chạy lên đồi Bằng Lăng nằm ở khoảng 1/3 độ cao so với đỉnh núi. Đường trải nhựa, khá dốc và quanh co, hai bên là rừng nguyên sinh rậm rạp, thỉnh thoảng có những lạch nước nhỏ chảy tràn qua lộ... Ở đây có khoảng sân rộng khá bằng phẳng và một trạm kiểm lâm với vài hàng quán bán nước giải khát. Tuy nhiên, đến Bà Rá du khách không chỉ ngắm mây trời non nước mà còn đến thăm một di tích lịch sử của tỉnh Bình Phước. Đứng trước tấm bia tưởng niệm bằng đá đen bóng du khách có thể cảm nhận được không khí ác liệt, căng thẳng của chiến trường xưa, địa điểm lịch sử ghi dấu cuộc đấu tranh của công nhân cao su Phú Riềng thời chống Pháp, từng là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên vùng Đông Nam bộ. Dưới chân núi Bà Rá còn dấu vết của một nhà tù- nơi giam cầm biết bao nhiêu chiến sĩ cách mạng. Từ nhà bia đi lên núi chừng 20m có một cây bằng lăng cổ thụ khổng lồ, cao gần 50m, 10 người ôm chưa giáp vòng tay, tàn lá xanh um, dáng vẻ thâm nghiêm cứng cỏi.
Từ đồi Bằng Lăng, nơi thật sự bắt đầu cuộc “chinh phục” đỉnh Bà Rá. Du khách nên khởi hành lên núi vào 9g sáng. Lúc ấy sương mù đã tan, có thể thưởng thức được toàn cảnh quan chung quanh trên đường lên núi.
Trước đây, đường lên đỉnh Bà Rá còn rất hiểm trở, phải len lỏi qua những khu rừng nguyên sinh dày đặc, dốc đá cheo leo. Mấy năm gần đây, tỉnh Bình Phước đã mở đường, lát đá từ đồi lên đỉnh. Từ đồi Bằng Lăng, du khách phải vượt qua 1.767 bậc tam cấp để lên đỉnh. Dọc đường lên núi hai bên là rừng trúc xen kẽ với lồ ồ, bằng lăng, sao, dầu lông và cây bụi như mua, sim, trâm ổi. Dây leo bò bao phủ, chằng chịt khắp nơi. Thỉnh thoảng có tiếng chim chìa vôi, họa mi, chích chòe lảnh lót, ríu rít chen với tiếng cu rừng vọng phía triền núi xa tạo thành bản hòa tấu giữa đại ngàn. Càng lên cao không khí càng mát mẻ, trong lành. Muốn nghỉ đêm trên đỉnh Bà Rá, khách nên trang bị gọn nhẹ với giày vải đi rừng, áo gió và ba lô đựng những vật dụng cá nhân cần thiết cho một chuyến du khảo, mang theo bánh mì, mì gói, thịt cá hộp, nước suối... Trên đỉnh có một vài am miếu nhỏ có chỗ nghỉ qua đêm cho khách hành hương. Người ta thường chọn những đêm có trăng (từ mồng 10 đến lối 20 âl). Từ trên núi ngắm trăng, gió núi hoang sơ và lãng mạn. Đứng trước Miếu Bà, có thể vừa ngắm trăng cùng những ánh đèn lung linh của thị trấn Thác Mơ dưới chân núi. Du khách trẻ có thể đốt lửa trại, trải lòng cùng nhau và trải lòng ra với thiên nhiên.
Từ trên đỉnh Bà Rá nhìn bao quát cả một khu vực rộng lớn với màu xanh bất tận, bạt ngàn điểm xuyết bởi Hồ Thác Mơ rộng trên 12.000 ha như một mặt gương khổng lồ, phẳng lặng. Tất cả đẹp như tranh vẽ. Hồ là nơi cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Thác Mơ hiện đại. Trên đỉnh núi Bà Rá còn có tháp ăng-ten của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Phước, cao 48m. Rừng Bà Rá có nhiều loại cây gỗ quý của rừng nhiệt đới như: cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, sao, dầu, bằng lăng... Động vật có nhiều loài quý hiếm như beo, chồn, nhím, vượn, khỉ... Trên núi còn có những hang đá rất kiên cố, bí hiểm như hang Hòn Đá đen, hang Dơi, hang Cây Sung, hang Gió đang mời gọi du khách khám phá.
Được biết, sắp tới, ngành du lịch tỉnh Bình Phước sẽ xây dựng một khu du lịch với hệ thống cáp treo đi qua lòng hồ, khu nghỉ dưỡng, khách sạn trên núi Bà Rá, đồi Bằng Lăng cũng như được tham quan vườn quốc gia Bù Gia Mập, thăm hang Bà Bảy Tuyết, pháo đài cách mạng qua hai cuộc chiến tranh giữ nước nằm trong quần thể sinh thái Bà Rá- Thác Mơ.