Phát triển tiềm năng du lịch nông nghiệp ở Yên Bái
Du lịch nông nghiệp có nhiều cách gọi. Ở Anh là “du lịch nông thôn”, ở Mỹ là “du lịch trang trại”, Nhật Bản là “du lịch xanh”, còn ở Pháp là “du lịch với cỏ cây”. Gần tương tự du lịch sinh thái, nhưng du lịch nông nghiệp thiên về tìm hiểu các kinh nghiệm canh tác nông nghiệp đặc sắc, học làm nông dân, trải nghiệm cuộc sống làng quê, thưởng thức cảnh quan nhân văn do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo nên. Du lịch nông nghiệp là một hướng đi giúp xoá đói giảm nghèo và phát triển cộng đồng ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững nhưng vẫn bảo tồn được văn hoá và bảo vệ môi trường sống lẫn môi trường tự nhiên.
Du khách tham gia du lịch nông nghiệp không chỉ được chiêm ngưỡng nét đặc sắc trong cuộc sống đời thường, cảnh quan thiên nhiên phong phú, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ, với những món ăn dân dã, đậm đà, làm quen với những người dân chân chất, hiền hòa mà họ còn được thực tế khi tham gia cuộc sống sinh hoạt thường ngày cũng như lao động sản xuất trực tiếp cùng với người dân bản địa. Đặc biệt, ở những bản, làng xa xôi, nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, cảnh quan còn hoang sơ, những phong tục, tập quán xa xưa của đồng bào còn được lưu truyền, chưa bị mai một ngày càng thu hút khách du lịch.
Phát triển du lịch nông nghiệp sẽ thúc đẩy phát triển hơn nữa các ngành kinh tế nông nghiệp vì du lịch nông nghiệp là một hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp, sản phẩm truyền thống tại chỗ rất hiệu quả, tiếp thị và quảng bá tận gốc về hồ sơ xuất xứ sản phẩm, nhất là khi nhu cầu về tự bảo vệ sức khỏe của cộng đồng xã hội trước các nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn ngày càng tăng.
Ở Việt Nam, du lịch nông nghiệp đã xuất hiện ở Sa-Pa (Lào Cai), Khánh Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ nhưng mới chỉ dưới dạng những hoạt động mang dáng dấp du lịch nông nghiệp, rất lẻ tẻ.
Yên Bái có tiềm năng du lịch lớn bởi nhiều cảnh đẹp thiên nhiên với nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao... với những địa chỉ du lịch hấp dẫn: Thác Bà, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Lục Yên. Đặc biệt, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia. Vùng chè Shan tuyết Suối Giàng (Văn Chấn) cũng rất độc đáo với những cây chè cổ thụ, có hương vị đậm đà, tinh khiết. Tranh đá quý Lục Yên nổi tiếng vì nguyên liệu chính là đá quý thiên nhiên nên tranh có sắc màu vĩnh cửu, không bị tác động bởi nhiệt độ, môi trường. Lục Yên cũng là nơi duy nhất trong cả nước có nghề làm tranh đá quý.
Thị xã Nghĩa Lộ, nơi tập trung chủ yếu đồng bào người Thái, Mường vẫn lưu giữ được nhiều ngôi nhà sàn cổ cùng những khung dệt thổ cẩm; nhiều bản vẫn giữ được bản sắc gốc của người Thái, Mường từ cách ăn mặc, sinh hoạt đến việc cưới xin, ma chay, tế lễ... Những món ngon truyền thống (bánh chuối người Tày Lục Yên, xôi ngũ sắc, cơm lam nếp Tú Lệ, thịt trâu nướng, măng chua, cá suối nướng, ruốc tôm…) và những sản vật địa phương (quế, táo mèo, cam sành, quýt sen, hồng không hạt, cà pháo giòn Lục Yên...) rất hấp dẫn đối với du khách.
Hấp dẫn nữa còn chính là vẻ đẹp nồng hậu, chân chất, giữ chữ tín của người dân ở các bản làng nơi đây. Du khách đến với chúng ta vì vẻ đẹp thiên nhiên tự nhiên và văn hóa cội nguồn không lai tạp, chính vì thế, vẻ đẹp thiên nhiên hoặc vẻ đẹp văn hóa mà bị suy giảm thì khó thu hút được họ. Điển hình, như Sa Pa với sự tác động mạnh của kinh tế thị trường đã một phần ảnh hưởng, làm thay đổi không nhỏ tới môi trường thiên nhiên tự nhiên và nếp sống văn hóa của người dân. Một khi những điều này mất đi thì đây sẽ không còn là điểm đu lịch hấp dẫn nữa, khi đó người bị thiệt chính là những người dân bản địa.
Vì vậy, bên cạnh sự đầu tư cần thiết để phát triển ngành du lịch nông nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng và thay đổi nhận thức trong sinh hoạt, vệ sinh môi trường của người dân, cần cho người dân thấy lợi ích thiết thực của loại hình du lịch nông nghiệp mang lại. Phải tuyên truyền để họ giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá bản địa của mình. Đồng thời, khuyến khích nhân dân củng cố, sưu tầm và phát triển rộng hơn nền nghệ thuật dân ca, dân vũ của mình để phục vụ khách du lịch, vì nguồn thu này đôi khi lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, còn những lợi ích thiết thực khác như công ăn việc làm, giao lưu văn hóa và đặc biệt là ý thức xã hội về bảo tồn văn hóa được nâng cao. Việc người dân tự ý thức được nguồn lợi kinh tế từ du lịch giúp họ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình và giữ chữ tín với du khách.