Hành trang lữ khách

Đêm huyền thoại voi Tây Nguyên

Cập nhật: 15/12/2009 14:12:22
Số lần đọc: 2799
Tại Tuần lễ Văn hoá Du lịch Đắk Lắk 2009 sẽ diễn ra vào tối 16/12, những người tham gia lễ hội có dịp chứng kiến nét đặc sắc của văn hoá Tây Nguyên, đặc biệt là tận mắt xem những chú voi biểu diễn.

Tối mai (16/12), Tuần lễ Văn hoá Du lịch Đắk Lắk 2009 với chủ đề “Huyền thoại voi Tây Nguyên” chính thức khai mạc. Diễn ra từ ngày 16- 20/12, với nhiều nội dung phong phú, mà điểm nhấn là “Hội voi” cùng chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch nối tiếp nhau, Tuần lễ Văn hóa- Du lịch sẽ mang lại cho du khách những khám phá mới mẻ về những nét đặc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa tỉnh Đắk Lắk.

 

Điều thú vị nữa là đêm khai mạc Tuần lễ cũng mang tên “Huyền thoại voi Tây Nguyên” và do nhạc sĩ Nguyễn Cường, người có nhiều duyên nợ với Đắk Lắk, làm tổng đạo diễn.

 

Thưa nhạc sĩ, chương trình nghệ thuật đêm khai mạc Tuần lễ văn hóa du lịch Buôn Ma Thuột-Đắk Lắk cũng mang tên “Huyền thoại voi Tây Nguyên”. Xin hỏi, Nhạc sĩ muốn thể hiện điều gì trong chương trình này?

 

Ý tưởng về chương trình nghệ thuật đêm khai mạc là từ đầu bài mà Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao, đó là “Huyền thoại voi Tây Nguyên”. Tôi nghĩ rằng đó là một nét độc đáo mà duy nhất chỉ có ở Đắk Lắk. Cho nên lấy tiêu đề của lễ hội cho chương trình khai mạc là “Huyền thoại voi Tây Nguyên”. Trong chương trình khai mạc toát lên cái thần thái, bản sắc của những con người sống trên mảnh đất này, gồm những truyền thống văn hoá và những thế mạnh của du lịch. Vì đây là một lễ hội du lịch.

 

Ngoài voi ra, chúng ta có cả truyền thống văn hoá của 44 dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất này. Đó là thế mạnh về cà phê, cao su, du lịch và một thế mạnh nữa rất độc đáo là tâm hồn của các sắc tộc, của con người sống trên mảnh đất này. Đặc biệt chúng tôi nhấn mạnh ngôn ngữ âm nhạc của Êđê, M’nông.

 

Với ý tưởng này thì chương trình khai mạc sẽ có những nét đặc sắc nào, thưa nhạc sĩ?

 

Đây không phải là lễ hội cồng chiêng nhưng sự góp mặt của tiếng chiêng, của những vũ điệu chiêng, của những điệu hát dân ca là rất lớn. Chúng tôi có sử dụng những điệu chiêng cổ, đặc biệt nhấn mạnh hình ảnh chiêng với thế hệ trẻ và chiêng vào đời sống đương đại như thế nào.

 

Ngay mở đầu chương trình là tiếng chiêng và tiếng hát Êđê. Và kết thúc chương trình sẽ là một bài hát nhạc Pop. Hãy một lần làm khách đến với mảnh đất cao nguyên để thấy những chàng trai Đamsan đương đại như thế nào, để thấy những cô gái mắt sáng như chim Phí ban mai và để thấy những đàn voi đung đưa trong nắng sớm. Mọi người cùng uống rượu cần, đốt lửa, đánh chiêng và múa hát. Đặc biệt, người đến xem sẽ là những người tham gia vào lễ hội. Chúng tôi tạo rất nhiều điều kiện để du khách có thể cùng tham gia.

 

Vậy hình ảnh con voi sẽ được thể hiện như thế nào trong chương trình này, thưa nhạc sĩ?

 

Rất may Đắk Lắk có nhiều bài hát về voi và những bài hát đó rất hiệu quả. Và chúng tôi đã lấy chất liệu đó để viết 2 trong tổng số 4 chương của chương trình.

 

Chương đầu tiên là chương “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk”, nghệ sĩ Y Moan sẽ đi ra cùng với bầy voi và dàn hợp ca. Và đặc biệt chúng tôi sử dụng các em thiếu nhi đeo mặt nạ voi lên múa cùng trong đó sử dụng bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn”, “Ơi Buôn Đôn tình yêu ta đó”. Đặc biệt có câu hát: “Ơi Buôn Đôn tình yêu đã lớn, chú voi con giờ đã lớn”. Hình ảnh đó như là sức mạnh của Đắk Lắk, chú voi giờ đã lớn, đi trong thênh thang đại ngàn và đi trong tình người.

 

Chương thứ hai mang tên “Voi ơi vào hội” gồm có một liên khúc gồm 50 diễn viên nam nữ hát và múa.

 

Xin cảm ơn nhạc sĩ./.

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục