Hành trang lữ khách

Đến Bến Tre thăm lăng Đồ Chiểu

Cập nhật: 22/12/2009 14:10:45
Số lần đọc: 3057
Theo Tỉnh lộ 26 từ thị xã Bến Tre về Ba Tri chừng 35 km, du khách sẽ gặp hai bên đường là những rừng dừa bạt ngàn xanh tốt. Qua khỏi địa phận huyện Giồng Trôm vào Ba Tri ta bắt đầu gặp những cánh đồng lúa khá rộng xen kẽ những vườn dừa, vườn sơ ri với những vạt đất giồng cao, khô ráo. Thị trấn Ba Tri đông vui, náo nhiệt, bởi nơi đây là đầu mối giao lưu, mua bán, trung chuyển hàng nông, thủy hải sản... Huyện Ba Tri có đến 24 xã.

Sau khi dạo quanh chợ Ba Tri thư giãn, chúng ta đến viếng khu lăng mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), cách thị trấn Ba Tri chừng 1 km trên đường về An Đức.

 

Khu lăng mộ cũ trước đây được xây dựng vào năm 1972 có quy mô nhỏ, gọn nhưng trang trọng, đến nay vẫn còn trong khuôn viên với nhiều cây cao bóng mát. Trong nhà tưởng niệm (cũ), ngoài tượng và bài vị thờ cụ Đồ Chiểu, còn có treo tranh vẽ chân dung của các vị anh hùng dân tộc như Trương Định, Thủ khoa Huân, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Phan Tòng, Lê Quang Quan... và trích đoạn những tác phẩm văn học nổi tiếng của cụ Đồ.

 

Năm 2000, khu di tích này được trùng tu, nâng cấp lại với quy mô hoành tráng và bề thế trên diện tích hơn 1,5 ha. Đến lăng, đầu tiên gây ấn tượng cho khách là cổng tam quan với kiến trúc mang phong cách truyền thống của các đình chùa Việt Nam. Tam quan có hai mái chồng, hình thuyền, lợp ngói âm dương màu đỏ gạch giả cổ, trên nóc và những bao lam, xiên, sà có đắp hoa văn, phù điêu ước lệ với nét dựng chân phương. Cột trụ tam quan to, vững chải, sơn màu đỏ son... Đi vào bên trong lăng là một khoảng sân rộng lót đá hở, hai bên có nhiều cây kiểng và chậu hoa kiểng như thiên tuế, vạn tuế, cà đam, bùm sụm, kim quýt... Vòng ngoài cùng là những hàng dương cao vút che chắn gió giông và tỏa bóng mát.

 

Tiền đình lăng là một “nhà vuông” to, gọn với hai mái chồng, lợp ngói âm dương xanh. Giữa tiền đình là một tấm bia to, kể sơ lược tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của cụ Đồ.

 

Chính điện lăng là một công trình kiến trúc bề thế. Không gian chính điện lăng có hình khối lăng trụ với ba tầng lợp ngói âm dương xanh, mái dốc, đầu vút cong lên, dáng cứng cỏi mà thanh thoát. Những cột trụ ở đây được sơn màu nâu đất... Bên trong chính điện là tượng bán thân của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Hai bên cột có chạm khắc hai câu thơ nổi tiếng của cụ Đồ:

 

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

 

Vòng xuống nền sàn là nhà lưu niệm, nơi giới thiệu, triển lãm một số hình ảnh của các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, cùng với các vị khách quý khác. Hàng năm, vào ngày lễ giỗ cụ Đồ (3-7) có rất nhiều khách tham quan cũng như bà con, nhân dân từ các nơi đã đến dâng hương tưởng niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

 

Phía sau, bên trái nhà tưởng niệm cũ là phần mộ của cụ Đồ với phu nhân. Gần bên đó là nơi yên nghỉ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái của Nguyễn Đình Chiểu, bà là một trong những nhà thơ, nhà báo rất nổi tiếng vào đầu thế kỷ trước.

 

Bến Tre được biết đến là xứ sở của “ba đảo dừa xanh”. Ba đảo ấy là ba cù lao Minh, Bảo và An Hóa nằm giữa bốn con sông Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai, Cửa Đại.

 

Ba Tri là huyện cuối cùng nằm sát biển Đông thuộc cù lao Bảo, cận ven sông Hàm Luông. Đây là vùng đất được khai phá sớm từ đầu thế kỷ 18 do những lưu dân đến từ miền Trung.  

 

Đất đai Ba Tri gồm những đồng ruộng, vườn dừa, xen kẽ những giồng cát do phù sa của hai con sông Ba Lai và Hàm Luông bồi đắp nên. Vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, phần lớn đất Ba Tri vẫn còn là rừng hoang và đầm lầy với nhiều loài thú hoang dã như cọp, heo rừng, khỉ, trăn, rắn, cá sấu, rái cá. Về Ba Tri, thăm quê hương cụ Đồ Chiểu sẽ là chuyến đi bổ ích và thú vị. 

Nguồn: website báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục