Hành trang lữ khách

Thường đang, bọ mẹng - Câu hát của bản Mường

Cập nhật: 25/12/2009 08:12:56
Số lần đọc: 2751
Là một xã vùng ven của thành phố Hòa Bình, Yên Mông có điều kiện thuận lợi để giao lưu và phát triển kinh tế - xã hội. “Trong quá trình phát triển, Yên Mông vẫn luôn lưu giữ và bảo tồn nét văn hóa cổ truyền độc đáo, trong đó có những làn điệu dân ca đặc sắc, mà tiêu biểu là hát thường đang bọ mẹng”, Bí thư Đảng uỷ xã Hà Thị Kiên nhấn mạnh.

Câu hát “tự duyên, tự nghĩ”

 

Thường đang, bọ mẹng là hình thức hát dân ca trong các dịp vui, ngày hội của đồng bào Mường, ca ngợi cuộc sống yên bình, no đủ và yên ấm. Với người Mường, đây còn là câu hát tình tứ, giao duyên nam nữ trong những đêm hội vằng vặc ánh trăng, hay khi bên bếp lửa nhà sàn bập bùng trong mùa đông buốt giá. Những lời ca ấy đều là những câu hát tự duyên, tự nghĩ, như là câu hát được vỡ ra từ trái tim thể hiện tâm tình, tiếng lòng của con người nơi đất Mường Yên Mông nói riêng và đất Mường Hòa Bình nói chung. “Qua lời ca, câu hát trong Thường đang, bọ mẹng chúng ta sẽ  hiểu thế giới quan, nhân sinh quan của đồng bào Mường” - cụ Bùi Văn Miền ở xóm Mời Mít nói một cách rành rẽ như một nhà nghiên cứu đích thực.

 

Nói chuyện với cụ Miền, chúng tôi phần nào hiểu hơn về hát thường đang, bọ mẹng của người Mường. Cụ Miền kể, trước đây  khi còn là thanh niên cụ là người hát thường đang, bọ mẹng giỏi nhất làng. Hát giỏi, đấy là một “lợi thế” của bất kỳ ai. Nhờ vào tài trí ứng khẩu thông minh, nhanh nhạy mà ngày xưa, cụ rất được lòng các “ún” (em) trong làng. Ở đất Yên Mông này có nhiều người đã lấy được vợ nhờ vào tài đối đáp giao duyên đó. Bản thân cụ Miền cũng là một người như vậy. Bằng những câu hát thăm dò ý tứ: Hương hoa gì mà bay ngào ngạt/ Không biết thơm bông mít sau nhà/ Thơm bông cà trước cửa/ Hay thơm hoa nhãn, hoa vòng. Rồi dần dà ướm hỏi bằng những câu hát bông đùa, dí dỏm nhưng đã chiếm được cảm tình của biết bao cô gái: Anh vào sân muốn thăm nhà/ Sợ con chó đầu to bằng chiếc dành/ Nanh to bằng quả chuối/ Sao em không đuổi cho anh vào cùng...

 

Cũng là một trong số ít người còn hát được thường đang, bọ mẹng theo lời ca cổ, cụ xướng cho chúng tôi nghe một đoạn chào hỏi khi đến nhà Lang vào dịp đầu xuân, để thấy được sự kính nể của nhân dân trong vùng với nhà Lang thời kỳ phong kiến: Từ nhà bước chân xuống sân/         Từ sân bước chân đi/     Có lời chào bông bi nửa đường/ Có lời chào bông má nửa đường/ Vào quê vào làng xin chào cái cổng cái cửa/ Bước chân vào nhà Lang tá cần/ Xin có lời chào/ Hết bố long trẻ đến mẹ long già/ Xin chào hết bác nhỏ đến hết bác cả/Xin chào hết một chà ún muộn...

 

Đi tìm lời hát yêu thương!

 

Trải qua những giai đoạn phát triển lại chịu dưới nhiều tầng áp bức, nhưng người Mường vẫn luôn vững tin và thể hiện sự khát vọng về tình yêu, khát vọng về tự do, thoát khỏi các tầng áp bức, đề nén con người, đề cao cái tôi trong sáng, nhiệt tình qua hát thường đang bọ mẹng.

 

Có lẽ cũng bởi thế mà lời ca trong thường đang bọ mẹng không theo một khuôn mẫu có sẵn mà luôn được sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh, tình cảm của người hát. Bà Nguyễn Thị Bích Án ở xóm Thia là người nặng lòng với lời hát thường đang, bọ mẹng kể lại: Đi nhiều nơi trong tỉnh, mỗi khi “cơm no rượu say” muốn ra về thì phải hát đối đáp với chủ nhà, nhiều khi hát đối đến tận khuya mà không “dứt” ra được. Những lúc đó càng hát càng say, quên hết cả thời gian, tâm hồn bay theo cùng lời ca, tiếng hát. Đặc biệt, trong hát giao duyên nam nữ, tùy thuộc vào tài năng của chàng trai, cô gái mà lời hát sẽ thể hiện được thái độ vui vẻ, giận hờn, trách móc hay nũng nịu, đằm thắm. Chính vì vậy, các chàng trai thường trổ hết tài năng của mình học trong dân ca, học người đi trước hay tự mình sáng tác, hát cho người mình yêu thích để bày tỏ tình cảm với cô gái.

 

Người Mường sáng tạo ra thường đang, bọ mẹng, và với sức sống mãnh liệt nét sinh hoạt văn hóa độc đáo đó vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Để bảo tồn và duy trì, xã Yên Mông đã thành lập 10 câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, trong đó có 1 câu lạc bộ của người cao tuổi. Tại đây, các cụ đến sinh hoạt, giao lưu với nhau bằng những lời thường đang bọ mẹng như tìm lại một chút hồn Mường xưa.

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục