Quy hoạch khu trung tâm Cột đồng hồ (Quảng Ninh): Hướng tới một thành phố du lịch hiện đại
Vì vậy trong Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2020 xác định khu vực trung tâm cần quy hoạch lại toàn bộ tuyến và khu vực ven biển tạo ra cảnh quan đặc biệt trong vùng giao thoa giữa đô thị và Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Quy hoạch Khu trung tâm Cột Đồng Hồ (phường Bạch Đằng và phường Trần Hưng Đạo) với hàng loạt các công trình sẽ được đầu tư xây dựng được coi là bước cụ thể hoá ý tưởng này, tạo điểm nhấn cho không gian kiến trúc đô thị Hạ Long.
Từ năm 1993, quy hoạch khu trung tâm Cột Đồng Hồ (TP Hạ Long) được UBND tỉnh phê duyệt và xác định sẽ xây dựng công viên tại đây. Năm 2003, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra thông báo số 704 yêu cầu chủ đầu tư (lúc đó là Ban Quản lý dự án I) nghiên cứu xây dựng khu vực này có quảng trường, nhà hát, đục thông tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài qua trụ sở Ngân hàng Nhà nước sang đường bao biển Lán Bè - núi Bài Thơ.
Như vậy ý tưởng làm đẹp khu trung tâm Cột Đồng Hồ đã được khẳng định và đặt nền móng. Tháng 8-2009, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/500 khu trung tâm Cột Đồng Hồ với tính chất đây là trung tâm đô thị của TP Hạ Long. Tại đây bao gồm: Công viên thành phố, nhà hát Hạ Long, đài tưởng niệm liệt sĩ, cung văn hoá thiếu nhi, các công trình dịch vụ công cộng, trung tâm thương mại - văn phòng - chung cư cao tầng và các điểm đô thị mới. Khu vực này cũng sẽ là điểm nhấn kiến trúc trung tâm thành phố; là nút giao thông quan trọng nối liền các khu chức năng của thành phố với QL18A.
Theo đó, định hướng không gian kiến trúc cảnh quan sẽ dịch chuyển vị trí Cột Đồng Hồ về phía Nam, tổ chức nút giao thông Cột Đồng Hồ theo dạng đảo tròn đường kính 50m tự điều chỉnh kết hợp một số đảo hướng dẫn nhằm tăng bán kính đường cong để đảm bảo an toàn giao thông. Mở trục không gian từ hướng đường Trần Hưng Đạo thẳng ra biển đấu nối với tuyến đường bao biển núi Bài Thơ (phá bỏ công trình Ngân hàng Nhà nước); mở rộng đoạn đường Lê Thánh Tông về phía công viên Lán Bè (đoạn từ sau chợ Hạ Long đến chân núi Bài Thơ) từ mặt cắt 14m thành mặt cắt 31m; đấu nối tuyến đường bao biển núi Bài Thơ - Cột 8 (đoạn từ sau chợ Hạ Long đến phía sau Thư viện tỉnh) để tạo thành tuyến đường liên tục, uốn quanh bờ Vịnh Hạ Long nhằm tạo thêm quỹ đất xây dựng và tạo cảnh quan đẹp cho phía mặt biển; di dời Cảng xếp dỡ để bố trí các công trình thương mại và văn phòng cho thuê để phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực. Tại khu vực phía Tây Cột Đồng Hồ sẽ bố trí tổ hợp chung cư cao tầng, công trình cơ quan cao tầng làm điểm nhấn không gian đô thị. Tuyến đường từ Cột Đồng Hồ lên khu phố Nhà thờ được điều chỉnh xây dựng lại theo hướng tiếp cận với đường Trần Hưng Đạo nhằm giảm độ dốc thay thế tuyến đường cũ nối trực tiếp như hiện nay dễ gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông. Phần đất trên kè cũ, sát đường dốc cũ sẽ được san bằng tạo quỹ đất xây dựng cải tạo mới. Riêng khu vực quảng trường thành phố sẽ được thiết kế trên một phần đất lấn biển kết nối với dự án quy hoạch Văn hoá Hạ Long để tạo không gian tổ chức lễ hội, vui chơi cho nhân dân. Đối với các công trình hiện có trên khu vực như trụ sở Công ty Than Hòn Gai, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long… sẽ được nghiên cứu cải tạo nâng cấp thành một tổ hợp liên cơ quan. Bưu điện tỉnh được chỉnh trang lại phù hợp với các công trình kiến trúc hiện đại mới xung quanh. Nội dung quy hoạch này được thực hiện trên 3 phân khu chức năng: Khu trung tâm Cột Đồng Hồ, tập trung các công trình công cộng, dịch vụ, thương mại, văn phòng, chung cư cao tầng; Khu công viên văn hoá Hạ Long; khu bố trí đất ở (biệt thự, nhà liền kề), công trình dịch vụ giáp khu vực Đài tưởng niệm thành phố và hòn Cặp Bé.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng công trình trọng điểm cho biết: Khi quy hoạch cũ được duyệt ngày đó Ban Quản lý dự án I đơn vị được giao làm chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để cụ thể hoá quy hoạch này. Nhưng do quy mô các cụm công trình này đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn trong khi ngân sách tỉnh không thể đáp ứng nên chưa thực hiện được. Năm 2008, trong suy thoái kinh tế buộc phải đình, hoãn giãn tiến độ một số công trình thì Nhà hát Hạ Long cũng phải nghiên cứu tính toán điều chỉnh lại quy mô và tuyến đường bao biển tạm dừng thi công để nghiên cứu lại cho phù hợp. Sau khi tính toán lại theo quy hoạch mới được UBND tỉnh phê duyệt năm 2009 thì tuyến đường bao biển Lán Bè - Cột Đồng Hồ được nắn lại ôm sát vòng ngoài. Tuyến đường này được thực hiện theo hình thức đóng cọc neo, cách làm mới này tạo mỹ quan con đường đẹp nằm bên bờ Vịnh Hạ Long thay thế phương án làm đường Cọc 8 - núi Bài Thơ cũ (đó là làm bê tông phản áp nếu làm theo kiểu này thì khi thuỷ triều lên xuống rác rưởi sẽ bám lại rất bẩn). Việc nắn tuyến con đường cũng tạo được một quỹ đất xây dựng khu nhà liền kề, từ đó có kinh phí để đầu tư trở lại cho con đường và công viên văn hoá Hạ Long mà hoàn toàn không xâm hại đến quỹ đất làm công viên. Chúng tôi dự định khu nhà này được thực hiện theo hình thức xây xong phần thô mới chuyển giao để tạo khu phố đẹp đồng nhất về mặt kiến trúc, che chắn khu dân cư hiện trạng phía sau quá cũ và lem nhem. Riêng về kiến trúc 2 khu nhà cao 25 tầng của Tập đoàn Dầu khí và Tổng Công ty Viễn thông quân đội được thực hiện theo hướng mở. Nhìn từ ngoài biển vào giống như hai bên cánh gà mở ra khu vực quảng trường, sân khấu lễ hội ngoài trời - nơi sẽ tổ chức các sự kiện văn hoá - xã hội của tỉnh. Hai toà nhà này được xây dựng để làm khu văn phòng, tài chính, thương mại, ý tưởng chủ đạo sẽ đưa khu này thành “phố ngân hàng” với việc đưa các ngân hàng đang hoạt động rải rác trên địa bàn thành phố về một điểm, cũng là tạo thêm một điểm đặc sắc nữa cho Hạ Long - thành phố du lịch và trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của tỉnh.
Có thể khẳng định quy hoạch khu Trung tâm Cột Đồng Hồ mang tính tổng thể và đẹp nhất so với các quy hoạch từ trước đến nay đã và đang được thực hiện ở TP Hạ Long. Việc thực hiện quy hoạch khu Trung tâm Cột Đồng Hồ nhằm mục tiêu hướng đến một thành phố Hạ Long mang vóc dáng đô thị khang trang, hiện đại.