Hòa Bình: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Mường Thàng
Chúng tôi không ngạc nhiên trước lời bộc bạch của mế. Bởi ngay sau đó, mế cho chúng tôi xem bộ cồng chiêng đủ 12 chiếc mà gia đình đã gìn giữ bấy lâu. Mế cho rằng, mình là người Mường, phải giữ lấy văn hoá của dân tộc mình. Mế kể: Đời ông của mế đã thấy có bộ cồng chiêng này. Mế say chiêng và biết đánh từ lúc 12 tuổi. Ai hỏi mua mế cũng bảo là còn muốn mua thêm nữa. Một bộ chiêng Mường truyền thống có 12 chiếc trở lên, được đúc bằng đồng thau. Trong xóm cũng còn nhiều gia đình lưu giữ được tuy không đầy đủ cả bộ 12 chiếc. Mế vui vì nhiều con, cháu cũng biết đánh chiêng hay, nhưng cũng hơi buồn vì không ít người trẻ không biết hát thường đang, bọ mẹng.
Nhận thức rõ văn hoá gắn liền với sự phát triển bền vững, Đảng uỷ xã Xuân Phong đã có nghị quyết về gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Toàn xã còn lưu giữ được trên 300 chiếc chiêng, 100% xóm có đội cồng chiêng và thường xuyên tham gia các lễ hội trong huyện, trong tỉnh. Hàng năm, vào ngày mồng 6 Tết, xã còn tổ chức Lễ hội xuống đồng với nhiều trò chơi dân gian đậm chất cộng đồng như đấnh đu, đánh mảng… Ngoài ra, các xóm như xóm Mừng, xóm Rú còn giữ được những nét cổ xưa.
Chị Hà Hồng Ánh, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) huyện Cao Phong cho biết: Mường Thàng - huyện Cao Phong là một trong 4 vùng Mường nổi tiếng được thể hiện trong câu “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Hiện nay, vùng Mường Thàng có 3 dân tộc chính là Mường, Kinh, Dao, trong đó dân tộc Mường chiếm đại đa số. Cùng với sự phát triển của KT-XH thì việc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống cũng được huyện quan tâm. Toàn huyện có 2 lễ hội (lễ hội Khai xuân, lễ hội Đền Bờ) và còn lưu giữ khoảng trên 1000 chiếc chiêng tại tất cả 13 xã, thị trấn. Các giá trị văn hoá vật thể gắn với đặc trưng và quá trình phát triển của vùng Mường Thàng cũng được quan tâm. Huyện đã hoàn thiện quần thể di tích lịch sử văn hoá chiến khu Thạch Yên – Cao Phong tại xóm Khánh, xã Yên Thượng theo lối kiến trúc chùa dân gian cổ miền Bắc. Các di tích gắn với văn hoá truyền thống như sự tích vườn hoa núi cối thuộc xã Tân Phong, di tích cách mạng Cù Chính Lan (xã Bình Thanh), di tích Đền Bờ (xã Thung Nai).
Tuy nhiên, theo chị Hà Hồng Ánh, trước sự phát triển, hội nhập KT-XH thì nguy cơ các giá trị văn hoá bị mai một như trang phục, lối sống của giới trẻ… Trước thực tế đó, huyện đã có Đề án về Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá - thể thao các dân tộc giai đoạn 2007 – 2010 và định hướng đến năm 2015. Trong đó, đưa ra những biện pháp nâng cao sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí đối với sự nghiệp văn hoá, thể thao, thông tin và hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc. Huy động toàn dân tham gia xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 khoá VIII. Phòng VH-TT&DL huyện đang sưu tầm để phục dựng lễ hội Mường Thàng tại xã Dũng Phong. Tổ chức truyền dạy hát thường rang, bộ mẹng từ các nghệ nhân cho thế hệ trẻ. Nhưng bảo tồn văn hoá không có nghĩa là giữ lại những hủ tục lạc hậu như thách cưới qua nặng, đám ma để dài ngày… mà kết hợp với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Việc giữ gìn, bảo tồn văn hoá vật thể và phi vật thể không chỉ là trách nhiệm của ngành VH-TT&DL mà còn cần sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc nâng cao nhận thức cho đồng bào. Người dân chính là chủ thể trong việc giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống.