Nam Trực (Nam Định): Vùng đất giàu tiềm năng văn hoá và du lịch
Tiêu biểu như: Lễ hội chùa Bi, hội chợ Viềng xuân (thị trấn Nam Giang), lễ hội đền Din (Nam Dương), lễ hội đền Xám (Hồng Quang), lễ hội đền Đá (Tân Thịnh)... Các lễ hội truyền thống đều khai thác khía cạnh văn hoá dân gian, những nét đặc trưng tạo sức hấp dẫn du khách gần xa. Đặc biệt, lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê, với việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật hoa, cây cảnh của địa phương đã mở ra sự giao lưu giữa các làng hoa cây cảnh, các nghệ nhân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh tiềm năng du lịch di tích - lễ hội, huyện Nam Trực còn có tiềm năng phát triển loại hình du lịch “ du khảo đồng quê”. Hầu hết các làng, thôn của huyện đều là làng cổ, phong cảnh trù phú với những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hoá đặc sắc. Theo những con đường Vàng, đường Trắng, đường Đen, du khách sẽ được đến với nhiều làng quê còn lưu giữ được những nét đẹp văn hoá cổ truyền: làng Rạch xã Hồng Quang với múa rối nước, làng Bách Tính, Liên Tỉnh (Nam Hồng) với truyền thống học hành khoa bảng, làng Dương A, làng Dứa, làng Cổ Ra gắn với tên tuổi 3 vị trạng nguyên Nguyễn Hiền, Trần Văn Bảo, Vũ Tuấn Chiêu... Những làng kháng chiến, làng cách mạng một thời như: Bắc Sơn, Đồng Lạc, Nam Quan, Đô Đò cũng là điểm du lịch hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về truyền thống lịch sử anh hùng buất khuất của quê hương.
Là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, Nam Trực đã phát triển loại hình du lịch làng nghề. Từ làng hoa cây cảnh Vị Khê, nay Nam Trực đã có thêm những vùng trồng quất, đào, cây cảnh ở Nam Toàn, Mỹ Tân, Tân Thịnh... Hay những làng nghề khác như: Làng Đồng Quỹ, xã Nam Tiến với nghề đúc đồng, đúc bạc tạo ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, làng nghề cơ khí Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Giang), làng Phượng (Nam Dương) làm miến, bánh đa, làng Báo Đáp (Hồng Quang) với nghề làm hoa giấy, đèn ông sao... Để phát huy thế mạnh tiềm năng về du lịch, những năm qua, huyện Nam Trực chú trọng đa dạng hoá các loại hình và sản phẩm du lịch, tích cực khai thác các nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng cơ sở du lịch, tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá. Đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá vật thể, các giá trị văn hoá phi vật thể cũng được khai thác phục hồi để thu hút du khách: Múa rối cạn trong lễ hội chùa Đại Bi, trò chơi kéo chữ trong lễ hội thôn Đồng Côi, tục thi cỗ trong lễ hội đền Din... Các điểm du lịch trọng điểm được đầu tư như: hạ tầng kỹ thuật làng nghề du lịch sinh thái xã Điền Xá, hạ tầng giao thông, điện, nước, bưu điện, các dịch vụ thương mại... tại khu vực thị trấn Nam Giang- nơi diễn ra hội chợ Viềng mồng 8 tháng giêng và nhiều lễ hội lớn khác. Huyện Nam Trực có nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá làm tăng sức hấp dẫn của các loại hình du lịch: giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, in ấn phẩm giới thiệu cảnh quan, danh thắng, di tích lịch sử văn hoá, đưa các sản phẩm làng nghề đến trưng bày tại các triển lãm quy mô vùng, miền quốc gia. Những điều đó đã góp phần để huyện Nam Trực ngày càng phát huy được thế mạnh văn hoá du lịch.