Non nước Việt Nam

Làng nhà sàn cổ hàng trăm tuổi của người Mường ở Thanh Hóa

Cập nhật: 27/01/2010 15:01:56
Số lần đọc: 3868
Hơn 300 ngôi nhà sàn cổ có tuổi thọ hàng trăm tuổi của dân tộc Mường vẫn còn nguyên vẹn ở làng Thành Nội, làng Đăng và làng Thượng, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Để gìn giữ văn hóa nhà sàn truyền thống, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thành đã hỗ trợ 6 triệu đồng một hộ để trùng tu và bảo quản nhà sàn cổ.

Nhà sàn, nét văn hóa người Mường

Trong ba làng người Mường còn giữ lại được nét kiến trúc độc đáo xưa, Làng Thượng là nơi lưu giữ nhiều nhà sàn cổ nhất. Hầu hết các hộ trong làng đều sinh sống trong những ngôi nhà do cha ông để lại với tuổi thọ trung bình 70 - 80 năm. 

Ông Nguyễn Văn Phúc, người sở hữu ngôi nhà sàn cổ nhất của Làng Thượng, nằm dưới chân đồi, cho biết, ngôi nhà này đã có hơn 200 năm tuổi, được dựng theo kiểu hình mai rùa với ba khoang chính (trong, ngoài và giữa). Ngôi nhà từng hai lần bị bom Mỹ đánh cháy nhưng gia đình ông đã phục dựng lại nguyên trạng. "Phần lớn các cột trụ trong nhà đều được làm bằng gỗ lim lấy ở rừng già nên không lo bị mối, mọt làm hư hại", ông Phúc nói.

Nhà sàn người Mường xây dựng theo bốn kiểu chính là: kiểu chôn cột, kiểu đặt thêm nhiều trụ và xà ngang trong nhà, kiểu thêm nhiều khóa giang và đòn bẩy, kiểu không có đốc hai bên nhà. Hiện cả xã có 7 ngôi nhà cổ có tuổi trên 200 năm được dựng theo lối kiến trúc Mường xưa là chôn cột làm trụ đỡ.

Ông Nguyễn Văn Ních (làng Thành Nội), chủ một nhà sàn cổ cho biết: “Để xây dựng một ngôi nhà sàn theo kiểu ngày xưa phải mất từ hai đến ba năm và phải chọn được gỗ lim loại một làm cột trụ, nên hiện nay mọi người thường dựng nhà theo kiểu mới. Giá trị mỗi ngôi nhà sàn từ 40 đến 70 triệu đồng, nhà cổ thì cao hơn nhiều”.

Nhà sàn cổ làm du lịch

Với địa thế tiếp giáp với rừng quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, có nhiều thác nước, hang động đẹp cùng hệ thống nhà sàn cổ, Thạch Lâm là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Nhiều làng ở đây đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất để khách lưu trú, thám hiểm hang động và tìm hiểu phong tục văn hóa Mường.

Ông Bùi Văn Thương, trưởng thôn làng Thượng, cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay đã có hơn 500 lượt khách đến tham quan nhà sàn cổ. Ba làng nhà sàn cổ bắt đầu tiếp nhận các tour du lịch tại gia, loại hình hút khách hiện nay.

Du khách khi đến đây được hòa mình vào cuộc sống dân dã hằng ngày. Một du khách ở Hà Nội hào hứng: “Đây là lần thứ hai tôi cùng gia đình đến thăm làng nhà sàn cổ. Mỗi lần đến đây, tôi lại biết thêm được nhiều điều về phong tục và tập quán sinh hoạt của người Mường”.

Để thu hút khách du lịch đến với địa phương, chính quyền xã cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ để quảng bá hình ảnh với du khách, kêu gọi hợp tác, phát triển. Đây cũng là phương án hữu hiệu để gìn giữ những ngôi nhà sàn hàng trăm năm tuổi ở Thạch Lâm.

Nguồn: Báo Đất Việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT