Non nước Việt Nam

Đánh thức tiềm năng du lịch hồ thủy điện Tuyên Quang

Cập nhật: 11/12/2009 08:12:20
Số lần đọc: 2779
Kể từ khi được tích nước, hồ thủy điện Tuyên Quang trở thành một vùng non nước hữu tình rộng hơn 8.000ha mặt nước, với 99 ngọn núi hùng vĩ được ví là như "Hạ Long cạn giữa đại ngàn".

Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang (Tuyên Quang) cho biết, để đánh thức tiềm năng du lịch hồ thủy điện, tỉnh Tuyên Quang đã ký hợp đồng với Viện Quy hoạch Miền Tây (Trung Quốc) lập bản đồ quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Na Hang.

Theo quy hoạch, Na Hang có các điểm, khu như khu đón khách tại thị trấn; khu Lâm viên Phiêng Bung; Khu Lâm thủy Cọc Vài; khu thể thao, khu ngắm cảnh trên nước; khu Thủy trại Đà Vị và các điểm khu làng du lịch văn hóa.

Các hệ thống sân golf, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, đường cáp treo, trường đua ngựa, khu vui chơi giải trí… sẽ được triển khai xây dựng.

Các tour du lịch sinh thái trên lòng hồ cũng được hình thành từ 4 năm trở lại đây. Đi du thuyền trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, du khách sẽ được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây.

Trên đường đi vãn cảnh lòng hồ, quý khách sẽ được ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo, thơ mộng được xếp hạng là thắng cảnh quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ-Bản Bung; ghe thăm thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát; thăm hang Phia Vài (hang người Việt cổ, nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá trên dưới 10.000 năm)...

Những cánh rừng nguyên sinh của Na Hang có cây nghiến nghìn năm tuổi và loài Voọc mũi hếch được ghi trong Sách đỏ thế giới. Chân núi Pắc Tạ có đền thờ vị thiếp của Tướng quân Trần Nhật Duật.

Đi dọc sông từ Thượng Lâm, giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, là sừng sững chiếc “cọc Vài” đá (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc Trâu) gắn với sự tích Tài Ngào. Dọc đường đến Tân Xuân là gặp thác Nậm Mè.

Thác nước đổ như mái tóc buông xuống rừng cây đại ngàn, tạo thành bức tranh tuyệt mỹ. Từ đoạn hợp lưu sông giữa Gâm với sông Năng, lại là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ, bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước thật lung linh kỳ vĩ. Những thác Tin Tát, Đén Luông, Đén Lang đầy thơ mộng.

Na Hang còn được biết đến là vùng đất của đa dân tộc (12 dân tộc cùng sinh sống), với những điệu hát then, hát lượn của dân tộc Tày, hát sli của dân tộc Nùng, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu... ngân nga làm say đắm lòng người.

Cũng nhằm phát huy giá trị văn hóa và tạo sự hấp dẫn thu hút du khách, Ban quản lý du lịch sinh thái Na Hang đang phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai xây dựng các điểm du lịch làng văn hóa Nà Tông ở xã Thượng Lâm; Bản Phiêng Bung ở xã Năng Khả; Bản Lục ở xã Đà Vị...

Na Hang hiện có gần chục cơ sở lưu trú với gần 200 phòng nghỉ và hơn 300 giường nghỉ. Cùng với việc đầu tư vào xây dựng các cơ sở lưu trú để phục vụ khách du lịch, các doanh nghiệp, hộ làm du lịch còn đầu tư mua 120 tàu, thuyền vừa phục vụ du khách, vừa làm phương tiện vận chuyển người và hàng hóa trong khu vực hồ thủy điện.

Có thể nói, nhận thức về du lịch của người dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn như Công ty du lịch Nga Viên, doanh nghiệp Thắng Linh... đều tập trung vào phát triển các dịch vụ mà du khách cần như dịch vụ ăn uống, tàu thuyền du lịch và các sản phẩm ẩm thực làm quà tặng.

Với tiềm năng sẵn có, ông Nguyễn Văn Chuyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Na Hang cho biết, khu du lịch sinh thái Na Hang mỗi năm có thể đón tiếp hàng vạn khách du lịch tham quan, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Trong tương lai, huyện phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT