Hoạt động của ngành

Mai Châu (Hòa Bình): Giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch

Cập nhật: 01/02/2010 08:22:04
Số lần đọc: 5853
Với những đặc thù về địa lý và truyền thống văn hoá sẵn có, nhân dân các dân tộc huyện Mai Châu đã phát huy, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc tạo nên sự đa dạng phong phú về văn hoá, hoà nhập với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày nay, những di sản văn hoá truyền thống đã trở thành nét tiêu biểu về văn hoá ở Mai Châu.

Huyện Mai châu hiện có 12 di tích, danh thắng, trong đó có 5 di tích được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận đó là: Hang Khoài (Xăm khoè), Hang Chiều (thị trấn Mai Châu), Hang Nhật, Hang Láng, Hang Mỏ Luông (Chiềng Châu). Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh luôn được bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Ngoài ra, Mai Châu còn là địa phương lưu giữ kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với những nét đặc trưng của dân tộc Thái, Mông qua các hoạt động của người xưa trong các lễ hội như: lễ hội “Cầu mưa”, lễ hội “Chá chiêng” của dân tộc Thái và lễ hội “Gầu tào” của dân tộc Mông…

 

Để những tiềm năng sẵn có trở thành thế mạnh có thể khai thác, huyện đã xây dựng kế hoạch dài hạn nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá, di tích lịch sử của địa phương và lập qui hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các bản làng du lịch mới như: Bản Bước, xã Xăm Khoè trở thành làng văn hoá- du lịch sinh thái; dự án du lịch hồ Xam Tạng, địa phận xã Noong Luông; khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, hồ Tòng Đậu và các điểm du lịch làng nghề truyền thống. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư, tìm đối tác tạo ra nguồn vốn phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hoá tạo thành trung tâm du lịch hấp dẫn của cửa ngõ vùng Tây Bắc.

  

Mai Châu có các khu du lịch cộng đồng như: Bản Lác (Chiềng Châu), xóm Pom Coọng, bản Văn (TT Mai Châu), bản du lịch sinh thái xóm Bước (Xăm Khoè), xóm Vặn (Piềng Vế)… Trong năm 2009 huyện đã thu hút 35.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch, trong đó khách trong nước 24.800 lượt người, khách quốc tế 10.200 lượt người, doanh thu từ lĩnh vực du lịch đạt gần 7 tỷ đồng. Thông qua việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như tài nguyên du lịch, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, Mai Châu đã giới thiệu cho khách tham quan du lịch về nếp sống, văn hóa và các phong tục tập quán của nhân dân các dân tộc; phát huy và khai thác các điều kiện tự nhiên cơ sở vật chất, xây dựng thôn, bản văn hóa, khôi phục lễ hội truyền thống và nghệ thuật dân gian tiêu biểu; phát triển làng nghề gắn với du lịch như dệt, đan, chế tạo nhạc cụ, sản xuất hàng lưu niệm..., đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

 

Mai Châu là mảnh đất hội tụ, giao lưu của 10 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hoá, các phong tục tập quán riêng nhưng với truyền thống yêu nước, đoàn kết tương thân tương ái, một lòng sắc son với Đảng, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất các đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện  luôn bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần tạo nên sự đa dạng phong phú của nền văn hoá Việt Nam thống nhất.

  

Để tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hoá và phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn trong năm tới, UBND huyện đã có những hoạt động quảng bá xúc tiến phát triển du lịch như phối hợp với Trung tâm con người và thiên nhiên tiến hành xây dựng trang Website quảng bá về hình ảnh, thiên nhiên, văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội và con người Mai Châu nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng, huyện xác định đây là một ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tới.

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục