Hội Lim - Ngọt ngào và đằm thắm những làn quan họ Bắc Ninh
Hàng năm, Hội Lim diễn ra vào ngày 13 tháng giêng âm lịch tại đồi Lim- huyện Tiên Du- tỉnh Bắc Ninh. Đây là lễ hội văn hóa nghệ thuật đặc sắc của những làng quê quan họ nhằm tưởng nhớ đến hai vị vua - ông tổ của những làn điệu quan họ.
Đến hẹn lại lên, cứ vào Hội Lim người dân xứ Kinh Bắc lại có dịp gặp gỡ, nói chuyện tâm tình với nhau bằng những làn điệu quan họ ngọt ngào và trữ tình. Mỗi câu hát, lời mời chào là những tâm sự, thể hiện niềm tự hào về tình yêu cuộc sống và hy vọng vào một năm mới sẽ mang lại sự may mắn, bình an cho mọi người.
Chiếc áo tứ thân, khăn mỏ quạ, nón quai thao duyên dáng thướt tha bên những câu hát, nụ cười của những liền chị cùng chiếc áo the, khăn xếp đậm nét dân tộc của những liền anh càng trở nên tinh tế, lịch lãm và nồng nàn hơn qua giai điệu những câu hát:
"Mấy khi khách đến chơi nhà
Lấy than, quạt nước tiễn trà người xơi
Trà này ngon lắm người ơi
Người xơi một chén cho tôi bằng lòng"
Hát quan họ tại Hội Lim thường diễn ra ngoài trời bên những chiếc lều hát nhỏ của các liền anh, liền chị, vì thế ai cũng có thể thưởng thức những làn quan họ mang đậm nét đẹp văn hóa của con người nơi đây. Ngoài ra, khách du xuân đến tham dự Hội Lim còn được xem và nghe hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia, mỗi địa điểm khác nhau sẽ có những làn điệu quan họ riêng.
Những làn điệu quan họ trong Hội Lim thường diễn ra từ đêm hôm trước cho đến tận tối đêm hôm sau để tiếp đón những vị khách phương xa. Theo quan niệm của người dân nơi đây, những làn điệu quan họ là di sản văn hóa, nét đẹp tâm hồn và là món quà tinh thần tuyệt vời, vì thế mà những câu hát như nói hộ những lời mời chào, lời chúc gửi đến du khách vui xuân trong dịp năm mới. Du khách đi trẩy Hội Lim ngoài cơ hội được thưởng thức những giai điệu quan họ tha thiết, nồng thắm còn có thể tham gia nhiều hoạt động văn hóa truyền thống khá thú vị̣ của địa phương như: đu bay, chọi gà, chọi chim, đấu vật, tổ tôm điếm…
Dường như những câu hát quan họ khiến chủ nhà và du khách hiểu nhau hơn. Du khách ra về với sự bịn rịn, lưu luyến và mang theo những cảm xúc bâng khuâng, xúc động khi nghe những câu hát hẹn hò dặn dò nhau.
"Người ơi người ở đừng về
Người về em vẫn khóc thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa.
Người ơi người ở đừng về
Người về em vẫn trông theo
Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi
Người ơi người ở đừng về…"