Non nước Việt Nam

Về Phú Thọ xem Lễ hội Trò Trám

Cập nhật: 26/02/2010 08:30:57
Số lần đọc: 2024
"Trò Trám vào đám mười hai, chẳng xem Trò Trám cũng hoài mất xuân” - cứ đến ngày 11 và 12 tháng Giêng hằng năm, tại miếu Trò, người dân xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội Trò Trám.

Mở đầu lễ hội là hội trình nghề “Tứ dân chi nghiệp” (sĩ, nông, công, thương) hay còn gọi là trò “Bách nghệ khôi hài" với các trò diễn như: đi cày, cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, cung bông, thợ mộc, mua xuân - bán xuân và dạy học”.

 

Theo truyền thuyết trò diễn “Tứ dân chi nghiệp” xuất hiện từ lâu nhằm tiến cúng Tổ Hùng Vương và Thần Tản Viên đã có công dạy cho dân Lạc Việt các nghề nông và thủ công từ thuở dựng nước. Trò diễn "Tứ dân chi nghiệp" như nhắc nhở mỗi làng quê phải coi bốn nghề ấy làm gốc và mỗi người, mỗi nhà hãy chọn lấy một nghề để tạo dựng cuộc sống vững bền.

 

Trò diễn là một màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong đời sống xưa kia là: sĩ, nông, công, thương, với những làn điệu dân ca riêng biệt của vùng quê đất Tổ. Khi diễn trò, trai gái hát đối với nhau những ca từ đầy ẩn ý, vui nhộn như: Người ta đi cấy lấy công/Tôi nay đi cấy lấy ông chủ nhà; Công anh đắp đập be bờ/Ðừng cho người khác vác lờ đến đơm; Người ta câu diếc câu rô/Tôi nay câu lấy một cô không chồng/Có chồng thì thả mồi ra/Chưa chồng thì cặp, thì tha lấy mồi...

 

Ông Hoàng Minh Tiến, cán bộ văn hoá xã Tứ Xã cho biết, kể từ khi mới hình thành, loài người đã nhận biết để nòi giống được duy trì và phát triển thì phải có sự giao hòa giữa nam và nữ. Rồi tiếp đó, qua việc đồng áng, những cư dân nông nghiệp dần thấm thía ý nghĩa sinh tử của hiện tượng đơm bông kết quả. Và lễ hội Trò Trám của người dân Tứ Xã có từ khi đó.

 

Đặc điểm nổi bật của Lễ hội Trò Trám là "lễ mật"’, diễn trò "Linh tinh tình phộc" vào giờ "lành" lúc nửa đêm (giờ Tý). "Linh tinh tình phộc" là phút "khởi nguyên" sự sống cho một vòng đời, nên gọi là lễ "cầu đinh". Lễ mật là hoạt động tâm linh của người Việt cổ cầu cho nòi giống sinh sôi, mùa màng tươi tốt, cầu đinh..., được thực hiện vào nửa đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12 tháng giêng (âm lịch) tại miếu Trò. Sau lễ tế (thường bắt đầu vào lúc 23 giờ) do các bô lão trong làng thực hiện đến đúng giờ Tý (0 giờ). Sau đó, cụ từ miếu Trò thắp hương và rước "nõ nường" - hai vật tượng trưng cho giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ, sơn màu đỏ) thờ trong miếu Trò và trao cho một đôi nam nữ. Nam đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn đỏ, cầm "nõ"; nữ mặc yếm, váy ngắn, đầu vấn khăn, cầm "nường". Sau khi làm lễ khấn thần miếu xong, Cụ Từ hô ba lần khẩu lệnh "Linh tinh tình phộc!". Lúc này, tất cả đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt. Sau mỗi câu "Linh tinh tình phộc", đôi nam nữ chạm mạnh "nõ nường" vào nhau. Sau 3 câu khẩu lệnh “Linh tinh tình phộc”, Cụ Từ sẽ hô to "Tháo khoán". Lúc này, ở bên ngoài miếu trò các đôi trai gái hò reo, đuổi bắt nhau. Và đêm ấy là đêm của tình yêu. Thanh niên, nam nữ được tự do tâm tình, cởi mở tấm lòng... Những đứa trẻ sinh ra từ đêm “Linh tinh tình phộc” được làng trọng thưởng.

 

Ngày hôm sau (12 tháng Giêng) là lễ rước lúa "thần" cầu cho ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Những bông lúa thu hoạch từ vụ trước thờ trong miếu được lấy ra rước xung quanh làng. Trong khi rước lúa trên đường làng, các trò diễn tiếp tục được thực hiện tạo không khí tươi vui. Cuối cùng là lễ cúng thập bái thực hiện tại miếu Trò để kết thúc hội.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT