Lễ hội Ðền Thượng Lào Cai: Điểm nhấn du lịch văn hóa và truyền thống
Lễ hội Ðền Thượng gắn với di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nơi thờ Trần Hưng Ðạo, vị Anh hùng Dân tộc đã có công lãnh đạo quân dân Ðại Việt đánh bại quân xâm lược của đế quốc Nguyên Mông thế kỷ thứ 13. Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất năm 1257, đích thân vị tướng trẻ Trần Quốc Tuấn đã trực tiếp chỉ huy quân đội Ðại Việt phòng thủ ở vùng đất Lào Cai ngày nay, khi đó được coi là vị trí cửa ngõ xung yếu, quan trọng nhất của nước ta trong trận chiến chống quân thù. Ðền Thượng nằm trên địa bàn thành phố Lào Cai, nơi hợp lưu giữa sông Nậm Thi và sông Hồng. Cùng với nhân dân ở khắp các vùng, miền đất nước, các dân tộc thiểu số ở vùng biên ải xa xôi và những người Việt được giao nhiệm vụ lên khẩn hoang và trấn ải ở các vùng biên cương cũng đã lập đền thờ Ðức Thánh Trần như vị thần hộ mệnh, an dân, phù trợ cho dân tộc, thể hiện một khí phách Việt Nam, trấn áp giặc ngoại xâm và thiên tai.
Di tích lịch sử văn hóa Ðền Thượng Lào Cai có cảnh quan, kiến trúc vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng và trấn giữ ngay trên điểm đầu của tuyến đường huyết mạch trong tuyến hành lang Tây Bắc nối về kinh thành Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội hôm nay và thông sang tuyến đường nối với tỉnh Vân Nam của nước bạn Trung Quốc. Khác với lễ hội ở các di tích khác nơi thờ Trần Hưng Ðạo, như ở Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), hay ở Nam Ðịnh và các nơi khác, bên cạnh lễ chính là ngày 20/8 âm lịch giỗ kỵ Ðức Thánh Trần, Ðền Thượng còn tổ chức lễ hội chính vào ngày rằm Tháng Giêng hằng năm. Lễ hội được cử hành trang nghiêm trên khu vực cúng thờ ở đồi Hỏa Hiệu. Nghi thức dâng hương được tổ chức long trọng ngay từ sáng sớm ngày 15 Tháng Giêng. Các đoàn khách mời và khối nhân dân đoàn thể đều đã tập trung tại sân khấu lễ hội theo đội hình khối đi sau kiệu lễ lần lượt lên đền theo tiếng nhạc lưu thủy với dàn bát âm. Sau lễ dâng hương, chủ tế và các đại biểu cùng nghe đọc văn tế nhớ về công lao của Ðức Thánh Trần đối với đất nước, đồng thời các đoàn sẽ tham gia trồng cây lưu niệm tại khuôn viên vườn Thủy Vĩ trong khu vực đền, sau đó là phần hội diễn ra tưng bừng náo nhiệt. Du khách và người hành hương không những được chiêm ngưỡng dáng vẻ uy nghi, cổ kính của Ðền thờ Ðức Thánh Trần, ôn lại truyền thống cha ông mà còn được hòa mình với không khí của ngày hội tưng bừng có nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa phong phú đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, vui nhộn như: múa rồng, lân, kéo co, ném còn, vật dân tộc, đẩy gậy, bắn nỏ, chọi gà, đu, cờ người. Ngoài ra, còn có một số hội thi như: nhà nông đua tài, thi đồ xôi, thi kèn pí lè của các xã Ðồng Tuyển, Cam Ðường, Hợp Thành. Cùng với phần văn nghệ chào mừng hằng năm, ngoài đoàn chủ nhà Lào Cai, luôn luôn có thêm sự hiện diện của các đoàn văn nghệ đến từ các tỉnh như: Ðoàn nghệ thuật Quan họ Bắc Ninh, đoàn văn nghệ của huyện Hà Khẩu tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và nhiều hoạt động triển lãm, hội chợ khác. Du khách còn được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng: thắng cố, cơm lam, xôi bảy mầu, thịt trâu khô bên chén rượu ngô nồng ấm của không khí mùa xuân biên giới.