Văn hoá trầu cau
Trầu, cau là những thứ rẻ tiền, bất cứ ở nơi nào cũng có, thế nhưng nó trở thành vật rất quan trọng và thiêng liêng trong các dịp ra mắt, hội ngộ, hay vào ngày rằm, ngày tết, lễ hội quan trọng nhất.
Người xưa kể lại rằng: trước kia tục lệ ăn trầu được phổ biến khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị, và nó được xem như là một phương thức hữu hiệu trong công việc xã giao, diện kiến, “Miếng trầu là đầu câu chuyện” mà. Ở thành phố, giỏ trầu được làm rất sang trọng, trang nhã và đẹp mắt với những kiểu têm trầu rất cầu kỳ, thể hiện phong cách quý phái của gia chủ. Còn ở nông thôn, việc ăn trầu đơn giản hơn, khi có khách đến chơi, gia chủ chỉ việc mang giỏ trầu ra rồi cùng khách ngồi lên chõng tre hay bộ phản, vừa têm trầu vừa trò chuyện. Cứ thế, trầu cau tồn tại cùng cùng với cuộc sống của con người. Trải qua bao biến cố trong xã hội nhưng trầu cau vẫn đồng hành với con người trên mọi phương diện văn hoá đời sống.
Miếng trầu thể hiện sự tôn trọng giữa chủ nhà và khách, đoàn kết găn bó với nhau trong cuộc sống thường ngày, là tình làng, nghĩa xóm lúc tối lửa tắt đèn có nhau, san sẻ cho nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn. Tất cả tình thương yêu, đoàn kết đó đều thắm đượm trong miếng trầu, quả cau. Đặc biệt, ngay từ thời rất xa xưa, miếng trầu đã là phương thức kết tóc, xe duyên giữa tình yêu nam nữ. Miếng trầu là nơi để họ gửi gắm tình yêu, là nơi để họ trao cho nhau những lời tâm sự và mong ước có một cuộc sống êm đềm hạnh phúc:
Trầu vàng lẫn với cau xanh
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.
Ngày nay, tục lệ ăn trầu đã phai nhạt dần. Lứa tuổi thanh nam nữ tú bây giờ ít biết trầu cau. Tục lệ ăn trầu chỉ tồn tại ở các vùng nông thôn, gắn liền với hình ảnh các cụ ông, cụ bà nơi miền quê thôn dã. Tuy vậy, những miếng trầu vẫn không mai một đi mà vẫn trường tồn trong các dịp lễ hội, ngày tết, đình đám.v.v… Tục ăn trầu đã trở thành một bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Việt