Non nước Việt Nam

Lễ hội Cầu phúc mở đầu năm du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa

Cập nhật: 01/03/2010 08:58:18
Số lần đọc: 3139
Ngày 1/3/2010, tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa đã diễn ra lễ hội truyền thống Cầu phúc đền Độc Cước với phong tục cầu Thánh-Thần-Trời-Đất phù hộ cho quốc thịnh dân an, cầu cho nhân dân gặp nhiều thuận lợi trong lao động sản xuất, may mắn, bình yên trong cuộc sống.

Đây là hoạt động nổi bật trong các lễ hội mùa xuân ở Thanh Hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương và khách thập phương, đồng thời cũng là hoạt động mở đầu mùa du lịch 2010 ở Sầm Sơn-Thanh Hóa.

Lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước mở đầu với nghi lễ rước kiệu với sự tham gia của 8 đoàn rước kiệu gồm: kiệu làng Núi, kiệu làng Triều, kiệu Bà Triều, kiệu Đề Lĩnh, kiệu chùa Lương Trung, kiệu làng Cá Lập, kiệu làng Hới, kiệu làng Lộc Trung đến từ 8 phường, xã của thị xã Sầm Sơn.

Đoàn rước kiệu đã diễu hành qua các con đường, tuyến phố trong thị xã với sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương rồi tập trung về sân đền Độc Cước.

Tại đây diễn ra lễ cầu phúc, lễ tế tôn ty - là những bài tế truyền thống đầy uy nghiêm, trang trọng biểu hiện tấm lòng thành kính đối với bậc tiền nhân, đồng thời thể hiện ước mong của người dân Sầm Sơn trong năm mới.

Sau phần lễ, phần hội tiếp nối với chủ đề "Âm vang khí thiêng nơi đầu sóng" với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Thanh Hóa nhằm ca ngợi vẻ đẹp của Sầm Sơn, giới thiệu các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Sầm Sơn và kêu gọi du khách đến với Sầm Sơn.

Ngoài ra, tại lễ hội còn có các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí khác như: hội thi vật dân tộc, hội thi đánh cờ người, các lễ tế nữ quan, hát múa dân gian, hát hầu văn...

Đền Độc Cước được xây dựng từ thế kỷ XIII, nằm trên hòn Cổ Giải, thuộc núi Trường Lệ, thờ vị thần Một Chân (Độc Cước). Tương truyền, thần Độc Cước đã tự xẻ đôi thân mình, một nửa ra khơi dẹp loài thủy quái, một nửa đứng trên đầu núi Trường Lệ ngày đêm canh giữ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân chài Sầm Sơn.

Thần Độc Cước được các triều đại ban sắc phong "Thượng đẳng Phúc Thần", được nhân dân 4 mùa cúng tế. Di tích đền Độc Cước đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1962 và đưa đền Độc Cước vào danh mục những di sản cần được bảo vệ và giữ nguyên hiện trạng.

Cùng với đền Cô Tiên, núi Trường Lệ, hòn Trống Mái... đền Độc Cước đã và đang trở thành một địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng.

Nguồn: website Vietnamplus

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT