Du lịch Phú Quý - Đảo Ngọc (Bình Thuận)
Nếu có thời gian đi tham quan du lịch đến tất cả những đảo nhỏ xung quanh đảo lớn, chúng ta sẽ cảm nhận hết vẻ đẹp hoang sơ và khí hậu trong lành của Phú Quý. Bà Nguyễn Thị Lý, thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng, một trong những gia đình ra đảo sinh sống vào những năm 90 cuối thế kỷ trước nói: “Phú Quý có bãi biển rất đẹp, khí hậu rất sạch và thoáng mát nên giúp ích rất nhiều cho sức khỏe”. Đến Phú Quý là đến với những bãi biển, những dãy đá san hô, những cụm đá đen cùng đá gành nhiều màu sắc nhấp nhô trên biển và khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm.
Không chỉ có phong cảnh đẹp, con người Phú Quý còn rất cần cù, chất phác, tình làng nghĩa xóm được gìn giữ, yêu thương đùm bọc lẫn nhau và hiếu khách với nét văn hóa đặc trưng chịu ảnh hưởng của văn hoá Nam Trung bộ. Cũng chính vì vậy nên người Phú Quý có các lễ hội truyền thống như người dân thuộc một số tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa. Trên đảo còn nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như: chùa Linh Sơn, chùa Linh Quang, Vạn An Thạnh. Toàn huyện có 10 thôn, các thôn này có các tên trùng với tên các thôn, xã ở một số tỉnh: thôn Hội An, Mỹ Khê, Thương Châu. Tất cả những điều đó cho thấy Phú Quý như phần đất rời của miền Trung, tuy xa nhưng thật gần gũi, là “làng quê Việt với tình đoàn kết, gắn bó từ bao đời vẫn còn đậm nét đến ngày nay”.
Từ những thập niên 80 thế kỷ XX, mật độ dân số Phú Quý còn thưa thớt, người dân sống tập trung chủ yếu ở vùng ven biển, giao thương và liên lạc duy nhất bằng đường biển, giáo dục thấp kém, cơ sở hạ tầng lạc hậu, công nghiệp và nông nghiệp gần như không có gì. Tuy nhiên, từ rất lâu Phú Quý đã nổi tiếng với các loại hải sản quý hiếm. Vào giữa thập niên 30, thế kỷ XX, nhiều thương lái Phan Thiết, các tỉnh Trung, Nam bộ đã ra Phú Quý để tìm mua tôm hùm, bào ngư, các loại ốc… để bán sang Cao Miên. Từ thập kỷ đầu thế kỷ XIX với sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân địa phương cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ của tỉnh và trung ương, Phú Quý thật sự đổi thay. Nghề đánh bắt hải sản với các phương tiện đánh bắt hiệu quả đã làm tăng thu nhập của người dân. Các sản phẩm kinh tế từ thủy sản và nông nghiệp đã và đang có tiếng vang trên thị trường như: Mực ghim, cá mú, cua huỳnh đế, dưa hấu, xoài, mãng cầu... Không giống huyện đảo Phú Quốc có địa hình thuận lợi và diện tích rộng lớn, không giống huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nổi tiếng về nông nghiệp với loại tỏi đem lại giá trị kinh tế cao, Phú Quý - một huyện đảo ít người biết đến đã đi lên từ chính bàn tay và chính từ truyền thống của mình để từng bước chuyển mình dần trở thành hòn ngọc giữa biển Đông.
Ngày nay và mãi về sau, những cánh chim Phú Quý vẫn tiếp tục vút bay trên bầu trời biển Đông, vẫn tiếp tục là điểm đến của hòa bình và hạnh phúc.