Hành trang lữ khách

Cung đường du lịch rừng - biển - mua sắm

Cập nhật: 08/03/2010 10:03:56
Số lần đọc: 2331
Năm 2007, các ngành chức năng ba tỉnh thành Lâm Đồng, Bình Thuận và TP.Hồ Chí Minh đã cùng ký kết chương trình hợp tác “Tam giác phát triển du lịch Đà Lạt - Phan Thiết - TP.Hồ Chí Minh”. Cho đến nay, sau 3 năm triển khai, chương trình hợp tác liên kết cả ba địa phương đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Với thế mạnh đặc thù ở từng địa bàn, một chương trình liên kết theo hướng du lịch sinh thái rừng - sinh thái biển - tham quan mua sắm đã được hình thành. Đây còn là cung đường du lịch tham quan nhiều di tích văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, khám phá các môn thể thao núi và biển.

 

Qua hợp tác liên kết, các địa phương đã tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư từ TP.Hồ Chí Minh quyết tâm đầu tư vốn tại Bình Thuận và Lâm Đồng. Trong đó tại Lâm Đồng đã thu hút 95 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư ước đạt 28.000 tỷ đồng của các doanh nhân đến từ TP.Hồ Chí Minh. Bình Thuận, giai đoạn 2007-2009 cũng đã ghi nhận 80 dự án trên lĩnh vực du lịch của các nhà đầu tư ở TP.Hồ Chí Minh với tổng vốn đăng ký hơn 36.600 tỷ đồng. Trên cơ sở hợp tác, các nhà đầu tư tập trung nâng cấp, phát triển những sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc cho từng địa phương.

 

Với nét đặc thù của cung đường du lịch “rừng - biển - mua sắm”, số lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại ba địa phương ngày càng tăng lên. Dù vậy chương trình liên kết trong thời gian qua vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh, thành. Đó là loại hình du lịch mua sắm, hội nghị - hội thảo, tham quan di tích lịch sử, các sự kiện văn hóa - thể thao trong nước và quốc tế của TP.Hồ Chí Minh. Còn tại Lâm Đồng là các danh lam thắng cảnh, sản phẩm văn hóa Tây nguyên và các Festival Hoa - Lễ hội Văn hóa Trà. Đối với Bình Thuận thì có thế mạnh về du lịch - văn hóa miền biển cùng các lễ hội văn hóa Chăm, làng nghề truyền thống…

 

Để khai thác thế mạnh, đặc trưng của từng địa phương thì trước tiên cần đẩy mạnh công tác quảng bá - tuyên truyền về sản phẩm du lịch. Tiếp đó hình thành các tour du lịch liên kết theo tuyến phục vụ du khách trong và ngoài nước bằng các sản phẩm đặc sắc. Có thể đó là cung đường du lịch TP.Hồ Chí Minh - Đà Lạt -  Phan Thiết - TP.Hồ Chí Minh, hoặc từ TP.Hồ Chí Minh - xuống biển - lên rừng - về lại TP.Hồ Chí Minh. Nếu liên kết chặt chẽ hơn sẽ phát huy thế mạnh đặc thù của từng địa phương thì đây sẽ là cung đường du lịch được khách du lịch quan tâm và lựa chọn cho những kỳ nghỉ dưỡng.

Nguồn: Báo Kinh tế Việt Nam

Cùng chuyên mục