Non nước Việt Nam

Nao nức hội làng Bắc Ninh

Cập nhật: 30/03/2010 14:58:12
Số lần đọc: 2923
Khi cái cảm giác bâng khuâng, rộn ràng của Tết đã qua đi cũng là lúc người miền Quan họ lại nao nức, xôn xao hoà mình trong không khí ấm áp của hội làng. Có thế nói, trên mảnh đất đậm đặc dấu ấn lịch sử với bề dày truyền thống văn hoá vật thể và phi vật thể này thì hội làng chính là mùa xuân và mùa xuân chính là hội làng.

Hội làng truyền thống của các làng xã hay có nơi còn gọi là “vào đám” thường gắn với hội đình, chùa, đền, miếu. Bắt đầu từ ngày mồng 4 Tết cho đến tận giữa tháng Ba, tháng Tư âm lịch, hầu hết xóm làng trên vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc đều tưng bừng, nô nức mở hội đón xuân: Từ hội Ó của thành phố Bắc Ninh rồi đi Tiên Du xem hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích, sang Từ Sơn trảy hội pháo Đồng Kỵ sau đó qua sông Đuống về Thuận Thành mừng hội Khao quân, mừng chiến thắng của Hai Bà Trưng và các danh tướng có công đánh đuổi quân giặc của khắp các làng thuộc vùng Dâu - Luy Lâu. Tiếp đó là lễ hội của hàng loạt xóm làng ở cửa sông Lục Đầu và sông Thái Bình thờ phụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thuộc huyện Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ. Và chắc chắn phải đến Yên Phong, đi dọc bờ sông Cầu để cùng với nhân dân của hơn 300 làng mở hội tế lễ, dâng hương hoa lên vị Thánh Tam Giang… Chỉ một vài liệt kê sơ lược ấy thôi cũng đã khiến người ta choáng ngợp trước sự đậm đặc của lễ hội mùa xuân truyền thống trên mảnh đất văn hiến này. Chẳng thế mà có người  bảo rằng, hình như mùa xuân miền Kinh Bắc dài hơn các vùng quê khác.

Trong mỗi hội lệ làng đều có phần tế lễ với cờ quạt, võng lọng xênh xang, rực rỡ. Những đám rước tưng bừng, náo nhiệt khắp làng trên xóm dưới để thể hiện sự tôn kính, ngưỡng vọng của thế hệ con cháu với các vị thần, thánh có công coi sóc, che chở cho cộng đồng làng xã mình. Theo tâm thức dân gian, các tài liệu, gia phả và tín ngưỡng của nhân dân truyền qua các thế hệ thì đó là việc tưởng nhớ công ơn của những người đã có công khai phá, lập ấp, đánh đuổi quân giặc hoặc là ông tổ, bà tổ có công truyền dạy nghề cấy lúa, trồng màu, nghề thủ công… cho bà con trong làng. Vì thế, dù có bận rộn đến mấy thì trong ngày hội làng, hết thảy người dân đều tạm gác lại công việc, sửa mâm lễ cúng thần hoàng làng rồi mời bạn bè, khách phương xa về để gặp gỡ, chung vui. Với những gia đình có con cái lấy chồng, lấy vợ xa quê hoặc làm ăn, công tác xa nhà, Tết chưa về kịp thì đến ngày hội làng sẽ tề tựu đông đủ nên nhiều gia đình tổ chức ăn hội làng còn to hơn ăn Tết. Sau phần lễ bao giờ cũng là phần hội. Đây là phần sôi động, hấp dẫn, thu hút đông đảo thanh niên, nam nữ, khách thập phương. Thông thường người dân trong thôn xóm tổ chức các trò chơi dân gian và các loại hình văn hoá nghệ thuật như: hát Quan họ, chèo, ngâm thơ, thi đấu vật, bơi chải, thi cờ, dệt cửi, nấu cơm, múa gậy, múa lân - rồng… hay tổ chức thi đấu các môn thể thao: cầu lông, bóng chuyền, kéo co…  Đến nay, trong hầu hết hội làng, những nghi thức thuộc phần lễ vẫn được người dân truyền giữ, vun đắp từ đời này qua đời khác nhưng phần hội thì đã mai một đi nhiều.

Sự ấm áp trong những ngày hội làng mùa xuân với việc lưu giữ nét đẹp văn hoá đặc sắc cổ truyền xứng đáng là những bài học lịch sử thực tế hiệu quả nhất cho thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp nhân thêm niềm tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục con cháu nhớ về quê hương, nguồn cội. Tuy mỗi lễ hội mang những nét đẹp tiêu biểu, riêng biệt, nhỏ lẻ nhưng nó đã kết tinh thành một bức tranh văn hoá tín ngưỡng sinh động, đa màu sắc về cuộc sống của con người trên mỗi miền quê. Hình thức sinh hoạt cộng đồng độc đáo của hội làng đã trở thành một nét đẹp văn hoá bất biến giàu ý nghĩa, làm nao nức lòng người mỗi độ Xuân về. Nó sẽ như một mạch ngầm chảy mãi, bừng lên sức sống, bản sắc của mỗi làng quê nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Nguồn: website báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT