Làng quê và cội nguồn của tổ tiên
Làng quê xưa mái tranh sát vách, chẳng mấy giậu cách ngăn, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Nhỡ bữa mang rá sang nhà bên là đã có gạo về đỏ lửa được rồi, họ “bán anh em xa mua láng giềng gần” mà. Trong làng khi có người trăm tuổi về già hay xấu số thiệt mạng qua đời là gần như cả làng nghỉ việc, lo giúp gia đình tang chủ việc ma chay và tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng. Cũng ở làng quê, khi đứa trẻ lọt lòng, cất tiếng khóc chào đời là anh em, bà con xóm giềng thân thích chạy đến chúc mừng, chia vui với gia đình nhà chủ được mẹ tròn con vuông và đón nhận một công dân mới ra đời. Đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay nâng niu, ôm ấp của mọi người. Từ dòng sữa ngọt ngào và lời ru đầm ấm của mẹ, của bà, trước khi cắp sách đến trường, bài học đầu tiên mà đứa trẻ tâm nhập được là những lời ru. Chẳng có một bà mẹ Việt Nam nào mà lại không thuộc một vài câu hát ru con. Lời ru đó đưa con vào giấc ngủ dịu êm, truyền sang con tình yêu thương của mẹ đồng thời cũng cho con luôn cả tình yêu quê hương, đất nước, con người, ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Từ cánh cò bay lả chiều hôm, từ hương lúa ngát thơm của hương đồng cỏ nội, những bờ tre xanh bao bọc xóm làng, đến cây đa, bến nước, sân đình và đặc biệt là chiếc cổng làng quen thuộc mà có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có. Nơi đã từng chứng kiến biết bao cuộc tiễn đưa với đủ các lý do cho những người trong cuộc. Chẳng còn tiếng trống cầm canh trong đêm vắng vì nay đã có nhiều phương tiện thông tin hiện đại. Không còn lo tiếng trống đình nổi lên mỗi khi làng có việc mà thay vào đó là tiếng trống hội làng rộn rã yên vui trong mỗi dịp hội hè. Tiếng trống chèo điểm nhịp cho những giọng hát không chuyên ở từng xóm nhỏ vẫn còn thao thức lòng ta. Ánh trăng quê tỏa sáng thay đèn cho đàn em nhỏ vui chơi múa hát. Trăng là người bạn đồng hành trong những đêm hè tát nước và cũng là người bạn tâm tình cùng đôi lứa trong những buổi hẹn hò. Tiếng chó sủa, mèo kêu, gà gáy sáng mãi còn lắng đọng trong ta.
Ta chẳng thể nào quên những con đường, lối ngõ mẹ đưa, những lời cảm ơn khi được nhận quà từ tay người khác mà mẹ đã dạy. Từ khi bập bẹ nói, biết tự mình bưng bát trong mâm, mẹ đã dạy cho ta biết cách chào mời trước khi ăn, dạy ta biết kính trên, nhường dưới, ăn ở giữ được nếp nhà trong sạch, thật thà, đoàn kết, biết sống vì nhau. Người yêu người là cái lẽ ở đời, anh em đùm bọc, che chở, nâng đỡ giúp nhau chớ nên ích kỷ hẹp hòi. Gia đình là một tổ ấm không thể nào thiếu được cho mỗi con người. Ai không biết dựng xây, gìn giữ, vun đắp hạnh phúc, để tan vỡ là có tội, mà có nuối tiếc thì cũng ân hận hoặc quá muộn rồi. Hình ảnh ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền là biểu hiện đặc trưng, là nét đẹp văn hóa cội nguồn. Gia đình, dòng tộc, họ hàng, tổ tiên... mỗi người con hiếu thảo phải luôn biết tự hào, bảo vệ và có trách nhiệm vun đắp dựng xây. Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông, không một ai trong chúng ta được quên điều thiêng liêng ấy. Mỗi độ xuân về, tết đến dân ta vẫn có tục đi quét mộ cho tổ tiên, ông bà cha mẹ và những người thân đã quá cố. Sửa mâm cỗ tất niên cúng ông bà ông vải, kính mời hương hồn người đã khuất cùng về vui đón mừng năm mới với người thân trong gia đình. Người xa quê không về được thì cũng cố gắng gửi quà và thư về chúc tết, nhờ người thân thay mình thắp lên bàn thờ nén nhang thơm để tỏ lòng biết ơn, thành kính tổ tiên. Quà biếu, của cho, tiền mừng, công đức... ông bà ta đều hỏi rõ ngọn nguồn, không nhận những đồng tiền từ hành vi bất chính, vô lương, chỉ chấp nhận của tiền trong sạch do trí tuệ, sức lực, mồ hôi, từ sự lao động chân chính làm ra để giáo dục cháu con. Những điều ấy tưởng chừng như đơn giản nhưng mỗi người chúng ta chớ có xem thường, bỏ qua. Giỗ chạp ở mỗi gia đình hay trong dòng tộc, đặc biệt là giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để người Việt Nam cùng hướng về nguồn cội. Từ trong một bọc sinh ra, dẫu ở nơi đâu, chỗ này hay chỗ khác, ta vẫn là anh em một nhà. Kết đoàn chung lòng chung sức “bầu bí thương nhau” để xây dựng non sông Việt Nam giàu đẹp.