Lễ hội Kỳ Yên ở đình làng Lạc Tánh (Bình Thuận)
Ngôi đình tọa lạc giữa khu đất rộng ngay giữa trung tâm thị trấn Lạc Tánh trên trục lộ ĐT 720 quay về hướng Đông Nam. Đình làng Lạc Tánh có từ năm 1940 được làm bằng gỗ quý theo lối tứ trụ gồm 2 tầng mái chồng lên nhau, tầng trên thờ 2 sắc tứ vua ban, tầng dưới thờ Thành hoàng Bổn cảnh và các bậc tiền hiền đồng thời là nơi làm việc của Ban Ngũ hương làng. Đến năm 1950 đình bị cháy rụi hoàn toàn và mãi đến năm 1967 mới được xây dựng lại. Trong 17 năm (từ 1950 đến 1967) tuy không còn mái đình thực thụ nhưng những nghi thức tế lễ vào dịp rằm tháng hai hàng năm vẫn diễn ra đều đặn. Đây cũng là lý do mà đình làng Lạc Tánh được xem xét công nhận di tích lịch sử văn hóa bởi những giá trị văn hóa phi vật thể của nó. Đình làng Lạc Tánh không có những nét kiến trúc độc đáo như những đình làng cổ của Việt Nam, nhưng giá trị về mặt tâm linh rất lớn. Người dân quanh vùng luôn hướng về ngôi đình như một điểm tựa về tinh thần, theo tín ngưỡng dân gian lưu truyền thì Thành hoàng Bổn cảnh luôn phù hộ cho cư dân nơi đây được yên ổn làm ăn, tránh được thú dữ. Tên gọi Tánh Linh bắt nguồn từ chữ Play T’nao Linh có nghĩa là “bàu nước thiêng”, cả vùng nằm trong lòng chảo, xung quanh có núi non bao bọc nên được ví như thế.
Tương truyền, ngày xưa khi đất Tánh Linh còn hoang vu, rừng rậm vây lấy xóm làng mà dân cư thì thưa thớt, cọp beo lai vãng quanh vùng và thi thoảng lại vào bắt heo. Cọp từ trong tiềm thức dân gian luôn là linh vật và được mệnh danh là chúa tể sơn lâm, do vậy dân làng chỉ kiêng kỵ né tránh mà không tìm cách bắt giết. Từ đó cọp tỏ ra thân thiện với người và sau khi có đình làng thì “ông cọp” này lại về ngự ở đình làng vào những lúc vắng vẻ. Ngày nay người dân cố cựu ở Lạc Tánh vẫn còn truyền tụng nhiều giai thoại về cọp Tánh Linh, có lẽ nghi thức tế lễ thỉnh sinh của đình làng vào giữa khuya cũng bắt nguồn từ đó. Đối với đình Lạc Tánh tục giết heo cúng thần là nghi thức đặc trưng nhất và cũng lạ nhất so với nghi thức tế lễ của các đình làng khác, dân làng đến dự cũng trông chờ thời khắc quan trọng đó.
Năm nay, trong dịp lễ hội Kỳ Yên - đình làng Lạc Tánh còn vinh dự được đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa, niềm vui được nhân lên gấp bội.
Giá trị văn hóa phi vật thể của đình làng Lạc Tánh được thể hiện rõ qua việc duy trì và tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống theo đúng tập tục và các nghi thức xưa. Đã có thời gian dài khi đình làng không còn hiện diện nữa thì các tập tục vẫn được duy trì, điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc tế lễ đối với đời sống tinh thần của người dân địa phương. Lễ hội của đình làng Lạc Tánh không chỉ là lễ hội của người Kinh nơi đây mà còn là lễ hội chung của các dân tộc anh em Chăm, K’ho, Raglai bản địa hay từ các vùng lân cận. Đây là nét đặc sắc riêng hiếm thấy ở những đình làng khác, việc tham gia lễ hội chung của các dân tộc thể hiện sự đoàn kết gắn bó cũng như sự tiếp biến, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em.
Kỳ Yên có nghĩa là cầu an, là lễ hội lớn được tổ chức long trọng qui mô nhất trong năm của đình làng. Từ chiều ngày rằm tháng hai lễ hội chính thức diễn ra với nghi thức lễ nghinh thần, sau đó đến lễ thỉnh sinh, lễ tế thần và các nghi thức tế âm linh cứ vài giờ lại một lượt nối tiếp nhau từ nửa đêm tới sáng. Ngày hôm sau (tức ngày 16 âm lịch) lễ cầu quốc thái dân an diễn ra – đây là chánh lễ tế xuân - Kỳ Yên. Nghi lễ gồm dâng hương, dâng rượu, dâng trà và đọc bài văn tế…
Nghi thức cầu quốc thái dân an kết thúc cũng là lúc kết thúc lễ hội Kỳ Yên của đình làng Lạc Tánh. Sau các nghi lễ, vật tế được mang xuống cùng với sự đóng góp tự nguyện của dân làng, một bữa tiệc diễn ra ngay tại khuôn viên của đình. Mọi người dự lễ hội chẳng phân biệt đâu là khách đâu là chủ, cùng quây quần bên nhau vừa ăn uống vừa trò chuyện vui vẻ, cùng nâng ly rượu lễ chúc mừng lễ hội thành công, chúc sức khỏe lẫn nhau và trong tâm trí họ luôn tin tưởng Thành hoàng Bổn xứ sẽ bảo bọc độ trì cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, người người khỏe mạnh yên vui.