Nhìn ra thế giới

Vat Phu (Lào) huyền bí

Cập nhật: 03/06/2008 10:06:26
Số lần đọc: 4559
Đầu tháng 5/2008, đoàn văn nghệ sĩ Quảng Nam gồm 11 nhà văn, nhạc sĩ, đạo diễn, nhà điêu khắc và nghệ sĩ nhiếp ảnh đã có chuyến đi thực tế sáng tác dài ngày tại nước bạn Lào. Đoàn đã đến thăm Vat Phu - di sản văn hóa thế giới thuộc tỉnh Chăm pa sắc.

Dưới cái nhìn của một nhà văn, Vat Phu mang vẻ đẹp huyền bí, với những liên tưởng về các di sản như Mỹ Sơn - Quảng Nam, trên con đường du lịch  xuyên Đông Dương…

 

Vat Phu (Wat phou) - Khu đền thờ Khmer cổ thuộc tỉnh Champasắc - với những gì còn sót lại sau 16 thế kỷ cũng đủ quyến rũ không ít du khách. Từ Pakse xuôi về nam, vượt sông Mekong, đi thêm khoảng 6km qua các làng du lịch hiền hòa ven sông là đến Vat Phu. Đây là khu đền thờ đá nép dưới dãy núi Phu Kao huyền thoại.

 

Những công trình đầu tiên của Vat Phu được xây dựng từ thế kỷ V nhưng những kiến trúc còn lại đến ngày nay được xây dựng trong khoảng thế kỷ XI đến XIII. Khu đền có kiến trúc độc đáo, trong đó các công trình nằm hai bên con đường dẫn lên đền thờ chính mang đậm dấu ấn sùng bái thần Siva. Về sau, nơi đây trở thành trung tâm của Phật giáo, phái Tiểu thừa (Theravada Buddhist)

 

Trước đây, Vat Phu từng liên kết với Shrestapura - một thành phố nằm về phía đông núi Lingaparvata (tức núi Phu Kao bây giờ ). Vào cuối thế kỷ V, Shrestapura là thủ đô của một vương quốc mà dấu tích còn lưu lại trong các bản văn và kiến trúc đầu tiên thuộc quần thể Vat Phu được xây dựng trong thời gian này. Núi Phu Kao có chỗ nhô lên thành hình linga đã trở thành một vị thế về tâm linh và được xem là nơi trú ngụ của thần linh. Còn Mekong như là đại dương (hay dòng sông Ganges trong thần thoại). Ngôi đền được xem như phần cống hiến của con người dành cho thần Siva. Vat Phu là một phần của đế chế Khmer với trung tâm Angkor ở về phía tây nam. Sau đó, Shrestapura được thay thế bởi một thành phố mới vào thời kỳ Angkor, ở về phía nam của ngôi đền. Về sau, các ngôi đền được xây dựng lại, trong đó nhiều tảng đá được sử dụng lại và lưu dấu đến tận bây giờ. Các ngôi đền được xây dựng chủ yếu vào các triều đại Koh Ker và Baphuon, thế kỷ XI. Chúng tiếp tục trùng tu và xây dựng thêm trong hai thế kỷ sau đó và nghiêng về khuynh hướng Phật giáo Tiểu thừa. Khi khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của người Lào, việc xây dựng lại tiếp tục.

 

Giống như hầu hết các ngôi đền Khmer, Vat Phu quay mặt về hướng đông và nằm dưới chân một ngọn núi, nơi khởi phát một con suối. Cách đền thờ khoảng vài cây số về phía đông là một thành phố nằm trên con đường chạy về phía nam, nơi có khá nhiều đền thờ mà kết thúc là Angkor.

 

Từ thành phố (chỉ còn sót lại rất ít dấu tích) đến các ngôi đền là hàng loạt các hồ nước thiêng. Chỉ còn một cái hồ như thế là còn nước, nằm dọc theo trục của khu đền Vat Phu. Nước thiêng được lấy từ các hồ dùng để tắm tượng trong các buổi tế lễ. Hai bên trục đường chính là hai cung điện  (palace) tọa lạc trên hai nền đất cao. Có vẻ như một nơi dành cho đàn ông và một dành cho đàn bà(?). Vai trò thực sự của hai cung điện đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Mỗi cung điện gồm một sân nhỏ hình chữ nhật với một hành lang và lối vào hướng về phía con đường chính dẫn lên núi. Có cả lối đi về các cửa giả ở phía đông và phía tây. Cả hai tòa nhà đều có những bức tường bằng đá ong. Các bức tường của hành lang cung điện phía bắc cũng làm bằng đá ong. Riêng bức tường của cung điện phía nam bằng sa thạch. Cung điện phía bắc còn khá nguyên vẹn nếu so với cung điện phía nam. Các công trình có giá trị chủ yếu nhờ vào các bức phù điêu chạm trên tường và đà cửa với kiểu dáng cùng thời với nền văn hóa Angkor.

 

Đi lên một nền đất cao, vượt qua các bậc đá sẽ gặp một đền nhỏ thờ Nandin (ngọn núi Siva). Con đường nối Vat Phu với Angkor khởi phát từ chính ngôi đền này (nay hầu như chẳng còn dấu tích). Leo tiếp các bậc tam cấp, về hướng tây sẽ gặp các nền đất, giữa chúng có một dvarapala (như một tháp nhỏ) thờ vua Kammatha, người xây dựng ngôi đền thần thoại theo sự tưởng tượng dân gian. Trên nền đất hẹp còn sót lại dấu tích sáu ngôi đền nhỏ đã bị phá hủy hoàn toàn bởi những kẻ săn tìm kho báu. Có vẻ như sáu ngôi đền này được xây dựng bằng gạch như Mỹ Sơn?

 

Con đường dẫn đến tầng cuối cùng tới một gò đất trên cao là khu vực tôn nghiêm, khu trung tâm của Vat Phu. Khu vực này chia làm hai phần. Phía trước xây bằng sa thạch, nay đặt bốn tượng Phật. Phần gạch nổi nhô lên mà trước đây đặt linga trung tâm, bây giờ để trống cho thấy khá rõ sự thay thế của sự tôn thờ Siva xa xưa bởi đạo Phật của các thế hệ sau này. Trước kia, nước từ dòng suối trên núi được đào rãnh theo cống nước đá dẫn đến tận nơi thờ, liên tục tắm cho linga. Nơi tôn nghiêm nhất này được xây dựng trễ hơn so với hai cung điện ở phía trước, thuộc thời Baphuon thế kỷ XI. Phía tây có ba lối ra vào: Từ nam sang bắc, các bức chạm trên tường mô tả cảnh thần Krishna đánh bại Naga Kalinga, thần Indra cưỡi Airavata, thần Vishnu cưỡi chim thần Garuda. Bên trong và bên ngoài các lanh tô ở các lối vào hướng nam và bắc có chạm cảnh Krishna xé xác Kamsa.

 

Ở đây còn có dấu tích của một thư viện. Thư viện nằm về phía nam của đền thờ chính. Có lẽ đó là nơi lưu giữ những gì liên quan đến đạo Hindu ở khu vực này. Ngoài ra còn một số dấu vết điêu khắc khác ở về phía Bắc ngôi đền: dấu chân Phật trên mặt vách đá, những hòn đá có hình dáng giống các con voi và một con cá sấu. Chính con cá sấu khiến người ta nghĩ đến dấu tích còn sót lại của tục hiến tế bằng cách lấy máu các trinh nữ tổ chức hàng năm tại đây và được thể hiện trong một số bản văn của người Trung Hoa vào thế kỷ VI.

 

Không cần phải lui lại đến 16 thế kỷ, chỉ cần hình dung thời điểm trước khi nhà tự nhiên học Henrri Mouhot phát hiện ra Angkor (năm 1858), chắc chắn Vat Phu còn đắm chìm giữa núi rừng, nơi đây quả thật là nơi linh thiêng, là nơi trú ngụ của các vị thần linh. Đó là một thế giới vô cùng thần bí, thế giới từng tôn thờ Siva là chúa tể. Bây giờ, Vat Phu chỉ còn sót lại vài cây thốt nốt đứng trơ trọi và buồn bã giữa cái nắng mênh mông, mấy cây đại già cỗi nhọc nhằn ra hoa ở hai bên trục đường dẫn đến nơi còn để sót lại bệ thờ của linga trung tâm. Các dấu vết kiến trúc xếp đặt từ đá hoặc các nét chạm trổ từ sa thạch lưu lại trên các bức tường, diềm mái, đà cửa… hết sức sinh động. Nó lưu dấu những gì mà cư dân bản địa từng nghĩ về thế giới thần linh và con người. Nó cũng lưu giữ quá trình tiếp biến văn hóa thông qua tín ngưỡng từ cách thờ của đạo Hindu các thế kỷ trước đến đạo Phật sau này.

 

Vat Phu là một nét chạm trổ huyền bí khác với Angkor, càng khác so với Mỹ Sơn. Nó là dấu ấn rực rỡ của một nền văn hóa đã lùi xa.

 

Trên con đường di sản Đông Dương, Vat Phu cùng với Mỹ Sơn, Angkor tạo một dấu ấn khó quên trong lòng du khách.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT