Non nước Việt Nam

Huế vào mùa an cư

Cập nhật: 27/05/2010 09:51:26
Số lần đọc: 2118
Bước qua Rằm tháng Tư âm lịch là những người tu hành theo đạo Phật bước vào 3 tháng an cư kiết hạ. Vào dịp này, nếu bạn đến Huế và đi thăm bất cứ chùa nào, gặp dịp cúng qua đường, bạn sẽ được mời ăn cơm chay ở chùa.

Ăn chay trong quan niệm của Phật giáo là nuôi dưỡng pháp thiện, tăng trưởng can lành và phát triển tình hình thương rộng lớn đối với mọi người và mọi loài. Trong tất cả mọi giá trị giữa cuộc đời thì sự sống là cái có giá trị nhất và cần được trân trọng nhất. Vì thế ăn chay là một cách để biểu hiện lòng tôn quý và trân trọng sự sống.

 

“Tình thương trải rộng đất trời
Sống bằng chay tịnh hóa đời thanh cao”

Cơm chay Huế là một trong những nghệ thuật nấu ăn lâu đời và nổi tiếng. Cơm chay giữ vị trí chủ đạo trong chùa chiền và trong không ít gia đình đạo hữu thường tổ chức vào những ngày cúng kỵ và ăn chay kỳ hàng tháng (ngày rằm và mồng một). Nghệ thuật nấu cơm chay tồn tại và không ngừng được phát triển, nâng cao cùng với sự phát triển của đạo Phật ở Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng. Các thế hệ đầu bếp Phật tử nối tiếp nhau đã bổ sung và làm cho các món ăn chay ngày càng thêm phong phú.          

Ở Huế, cơm chay không chỉ là món ăn của nhà chùa, mà từ xưa, nhiều người, nhiều gia đình vẫn nấu cơm chay ăn để dưỡng tâm tính. Người Huế định ngày ăn chay trong tháng gọi là trai kỳ. Ăn chay hai ngày rằm, ngày ba mươi gọi là nhị trai, ăn chay bốn ngày gọi là tứ trai.     

Ở Huế bây giờ có đủ thứ chay: cơm chay, bún chay, bánh canh chay, chả chay, bánh lọc chay... Cứ ngày mười bốn và cuối tháng âm lịch hay ngày Phật đản, ra các chợ ở Huế tìm mua thịt cá rất khó vì gần như cả thành phố ăn chay. Cơm chay Huế do nhà chùa nấu để ăn, để mời khách. Các gia đình nấu cơm chay khi cúng giỗ người ăn chay. Bây giờ các nhà hàng ở Huế cũng nấu tiệc chay theo đơn đặt hàng của khách du lịch.

Nấu món chay, tiệc chay khó hơn nhiều so với nấu tiệc mặn. Nhìn lên bàn tiệc chay cũng đủ các món như: giò lụa, chả quế, đùi gà, cá chiên... Nhưng tất cả đều được chế biến từ các loại củ, quả, đậu, dầu thực vật. Nấu món chay đã trở thành một nghệ thuật rất tinh tế. Một mâm tiệc chay vẫn tạo cảm giác hưng phấn ngon miệng không kém gì tiệc mặn.

Không thể kể hết sự phong phú của các món chay và sự sáng chế, phối trộn tài tình giữa các nguyên liệu, gia vị và kỹ thuật chế biến để tạo nên các món đặc trưng. Ăn chay trong quan niệm Phật giáo là để dưỡng pháp thiện, tăng can lành. Ăn chay là một cách để biểu hiện lòng trân trọng sự sống, loại bỏ tham, sân, si, nuôi dưỡng tâm hồn. Bởi thế mà ở Huế việc ăn chay rất phát triển. Ngày càng có nhiều người tuy không theo đạo Phật vẫn ăn chay (thường trai hay trai kỳ).

Nhân một ngày kỵ (giỗ) ở chùa, Phật tử đến cúng, ở lại dùng cơm chùa, cả khách thập phương đến viếng cũng có thể lưu lại dự bữa cơm chay do chùa làm. Du khách đến Huế, ngoài Kinh thành, các lăng tẩm, còn không ít chùa chiền là nơi bạn cần đến viếng thăm cho tâm hồn được tĩnh tại, thư thái, hướng nhân tâm đi vào cõi thiện.

Trong bộn bề của đời thường có biết bao điều ta phải lo toan, trăn trở. Có được một chút thư giãn của tâm linh thật quý giá biết bao! Để được trở lại một chút thôi cuộc sống đạm bạc, thanh cao, bình tâm trở về với cội nguồn của niềm an lạc, bạn hãy tìm đến thú ẩm thực nhẹ nhàng mà nâng đỡ được tâm hồn qua bữa cơm chay.

Nguồn: website Huế

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT