Du lịch Việt Nam nửa thế kỷ tự hào
Quá trình hình thành và phát triển
Thời gian đầu từ năm 1960 đến 1975, Du lịch Việt Nam hoạt động chủ yếu là đón tiếp các đoàn khách của Đảng và Nhà nước phục vụ cho quan hệ hợp tác quốc tế, góp phần đấu tranh giải phóng miền Nam và xây dựng đất nước. Tháng 6/1978 Tổng cục Du lịch Việt Nam được thành lập và trực thuộc Hội đồng Chính phủ, mở ra một trang mới cho ngành Du lịch Việt Nam phát triển về thế và lực. Với chức năng và nhiệm vụ đón tiếp và phục vụ khách du lịch quốc tế đến từ các nước Xã hội chủ nghĩa anh em và các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Du lịch Việt Nam đã góp phần đáng kể trong việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam và tuyên truyền quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ đối ngoại.
Tháng 11 năm 1992, Tổng cục Du lịch được thành lập lại, là cơ quan thuộc Chính phủ, với hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương gồm 15 sở Du lịch, 2 sở Du lịch – Thương mại, 46 sở Thương mại - Du lịch và 01 sở Ngoại vụ - Du lịch. Hàng trăm doanh nghiệp du lịch quốc tế và nội địa ở các địa phương trên cả nước ra đời và đi vào hoạt động. Hoạt động du lịch bắt đầu có bước chuyển mới. Nếu năm 1990 chỉ đón hơn 200 ngàn lượt khách quốc tế thì năm 2007 đã đón được hơn 4 triệu lượt, phục vụ hơn 20 triệu lượt khách du lịch nội địa, vươn lên vị trí top 5 các nước có kinh tế du lịch phát triển trong khu vực Asean. Du lịch phát triển đã góp phần đáng kể vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo về tài nguyên môi trường, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Tại Chỉ thị 46/CT-TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII tháng 10 năm 1994 đã khẳng định “Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nuớc” và tại Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ IX đã khẳng định phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, làm động lực thúc đẩy phát triển các ngành khác.
Từ 1960 đến 2010 những thành tựu đáng tự hào
Nhìn lại chặng đường 50 năm qua cán bộ, công chức, viên chức ngành Du lịch Việt Nam rất tự hào về những thành tựu đã đạt được, trong đó có một phần đóng góp của mỗi cá nhân tập thể trong toàn ngành, đó là: Đã huy động công sức và trí tuệ nghiên cứu lý luận và khảo nghiệm, tổng kết thực tiễn phát triển du lịch trong nước và quốc tế, hình thành, đề xuất và hoàn chỉnh dần hệ thống các văn bản chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước. Nhiều tỉnh, thành phố, đã đề ra chủ trương về phát triển du lịch, xác định vai trò, vị trí của du lịch trong cơ cấu kinh tế để đề ra giải pháp và chỉ đạo thực hiện trong phát triển kinh tế xã hội.
Năm 2007, Tổng cục Du lịch được sáp nhập vào Bộ Văn hóa Thông tin để hình thành Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, có cơ cấu tổ chức bộ máy gồm 6 vụ: Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn, Vụ Thị trường du lịch, Vụ Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng và các đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Thông tin du lịch, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tạp chí Du lịch, Báo Du lịch. Các cơ quan tham mưu cho UBND quản lý nhà nuớc về Du lịch ở các tỉnh, thành phố cũng được sát nhập để tạo nên những thuận lợi mới, quy tụ được sức mạnh tổng hợp từ các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao góp phần đưa hoạt động du lịch phát triển trong thời kỳ mới.
50 năm qua các cơ chế chính sách về du lịch liên tục được bổ sung, tạo môi trường cho du lịch phát triển. Từ pháp lệnh Du lịch ra đời năm 1999, năm 2005 Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch, khẳng định một lần nữa vị thế của ngành Du lịch ngay từ trong đường lối, chính sách và thể chế. Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 1995 – 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các trọng điểm du lịch đã được xây dựng, tạo bước phát triển mới của ngành Du lịch. Hàng trăm dự án đầu tư phát triển du lịch đã được triển khai thực hiện… Năm 2009, ngành Du lịch đã tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 và triển khai xây dựng Chiến lược Phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành đang tiến hành xây dựng Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến du lịch như Pháp lệnh xuất, nhập cảnh, cư trú, đi lại cho người Việt Nam; cho người nước ngoài và các văn bản liên quan khác được bổ sung; thủ tục nhập, xuất cảnh, cư trú, đi lại, hải quan liên tục được cải tiến thuận tiện hơn cho khách và các nhà đầu tư.
Về xây dựng cơ sở vật chất và đa dạng sản phẩm du lịch, toàn ngành và các địa phương, đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm du lịch, đã phát huy nội lực, huy động vốn từ các thành phần kinh tế để phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Từ năm 2001 đến nay, Chính phủ đã cấp 4.836 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch ở các khu du lịch trọng điểm tại các địa phương. Các thành phần kinh tế đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
Đến năm 2009, cả nước có 789 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 68 doanh nghiệp nhà nước, 250 công ty cổ phần, 12 công ty liên doanh, 455 công ty TNHH và 4 doanh nghiệp tư nhân và hơn 10.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 1990, cả nước chỉ có 350 cơ sở lưu trú du lịch với 16.700 buồng, thì đến hết năm 2009, cả nước đã có 10.900 cơ sơ lưu trú du lịch với trên 215.000 buồng, trong đó: 3 sao: 184 cơ sở với 13.168 buồng; 4 sao: 95 cơ sở với 11.628 buồng; 5 sao: 35 cơ sở với 8.810 buồng. Ngoài ra còn có khoảng hàng nghìn hộ tư nhân kinh doanh du lịch hoạt động ở hầu hết các địa phương cả nước. |
Về quảng bá xúc tiến du lịch, Tổng cục Du lịch đã chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Hàng không Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình, tổ chức nhiều sự kiện để xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài. Các đơn vị, các địa phương đã tích cực chủ động tham gia nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn quốc tế để quảng bá thu hút khách du lịch và vốn đầu tư. Hàng chục triệu ấn phẩm, sách hướng dẫn, băng video và đĩa CD-ROM được phát hành để giới thiệu về đất nước, con người và Du lịch Việt Nam. Báo Du lịch, Tạp chí Du lịch và các trang Web của Ngành đã liên tục cập nhật thông tin, bám sát tình hình hoạt động, thời sự của Ngành, đáp ứng nhu cầu về thông tin của các đối tượng trong lĩnh vực du lịch và những lĩnh vực liên quan. Và tăng cường thông tin đối ngoại, thông tin du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng trong ngoài nước. Từ năm 2000 đến nay đã đầu tư 233.615 triệu đồng cho hoạt động thông tin quảng bá. Cùng với kênh thông tin đó các doanh nghiệp du lịch, hàng không Việt Nam, cơ quan ngoại giao, thông tấn báo chí và các cơ quan tuyên truyền đối ngoại đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho tuyên truyền, quảng bá đất nước, con người và sản phẩm Du lịch Việt Nam. Các tổ chức quốc tế, các hãng du lịch, hàng không nước ngoài đưa khách vào Việt Nam cũng đầu tư hàng chục triệu USD cho tuyên truyền, quảng bá Du lịch Việt Nam .
Về đào tạo, toàn ngành đã có hệ thống đào tạo du lịch bậc đại học, cao đẳng (với khoảng gần 40 trường), trung học chuyên nghiệp (trên 30 trường) và nhiều trung tâm dạy nghề với chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng từng bước được chuẩn hóa. Đối với nguồn lực bên ngoài đã thu hút được trên 30 triệu USD cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Năm 1990 toàn Ngành mới có hơn 17.000 lao động trực tiếp, đến nay đã có trên 43 vạn lao động trực tiếp và trên 70 vạn lao động gián tiếp.
Về hợp tác quốc tế, đến nay, Du lịch Việt Nam đã ký được 43 văn bản hợp tác với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thiết lập quan hệ bạn hàng, đối tác với trên 1000 bạn hàng của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số chính phủ và tổ chức quốc tế như Luxembourg, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hà Lan, Cu Ba, EU, Trung Quốc và các nước trong khu vực Asean... có quan hệ rất chặt chẽ và thường xuyên về hoạt động du lịch với Việt Nam.
Về hiệu quả kinh tế - xã hội, Du lịch nội địa tăng trưởng không ngừng, nếu năm 1990 chỉ có 1 triệu khách thì năm 2009 đã có 25 triệu lượt khách nội địa đi du lịch trong nước. Đối với du lịch quốc tế, nếu năm 2000 mới có 2,14 triệu lượt khách, thì năm 2009 đã đón 4,25 triệu lượt, dự kiến 6 tháng đầu năm 2010 đón 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Hoạt động du lịch đã tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích, di sản, khôi phục lễ hội, làng nghề truyền thống và thúc đẩy các ngành kinh tế xã hội khác phát triển. Về hoạt động xã hội, toàn ngành: Xây dựng được 32 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ; nhận phụng dưỡng 643 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; đỡ đầu 2 trại trẻ mồ côi (gần 100 em); đóng góp nhiều đợt ủng hộ đồng bào bị thiên tai (lũ, bão, lụt) hàng tỷ đồng và nhiều quần áo, thuốc men. Tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo và đấu tranh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội....
Năm 1990 thu nhập xã hội từ du lịch mới đạt 1.350 tỷ đồng thì đến năm 2009, con số đó đã là 70.000 tỷ đồng. Đóng góp của ngành Du lịch cho GDP chiếm khoảng 5% thực tế đóng góp của hoạt động du lịch đối với xã hội lớn hơn nhiều. Ở đâu du lịch phát triển, ở đó diện mạo đô thị, nông thôn được chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Ước hiện nay, du lịch đã tạo ra việc làm cho trên 400.000 lao động trực tiếp và khoảng 700.000 lao động gián tiếp cho nhiều tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh niên mới lập nghiệp và phụ nữ. |
Nửa thế kỷ đồng hành cùng đất nước, trải qua nhiều thời điểm lịch sử khác nhau song ngành Du lịch Việt Nam đã tỏ rõ bản lĩnh năng động, sáng tạo, từng bước xây dựng và trưởng thành, đến nay đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế xã hội của đất nước. Ghi nhận những đóng góp to lớn của cán bộ công nhân viên chức ngành Du lịch Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước đã có nhiều phần thưởng cao quí trao tặng cho các tập thể và cá nhân ngành Du lịch. Đã có 2 tập thể và 3 cá nhân được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; có 9 cá nhân được công nhận là Chiến sĩ Thi đua toàn quốc; 274 tập thể và cá nhân được tặng huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, cờ Chính phủ và bằng khen Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tổng cục Du lịch còn tặng 123 Cờ, 2.785 Bằng khen, 456 Chiến sĩ thi đua cơ sở, 316 Tập thể Lao động xuất sắc và 8.204 Huy chương vì sự nghiệp Du lịch và Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Với truyền thống 50 năm vẻ vang và tự hào, toàn thể cán bộ, công nhân viên chức ngành Du lịch nguyện quyết tâm phấn đấu, xây dựng ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước./.
NGUYỄN VĂN TUẤN
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch