Hoạt động của ngành

Du lịch Quảng Ngãi - Chặng đường hơn 20 năm

Cập nhật: 08/07/2010 11:07:04
Số lần đọc: 3075
Hơn 20 năm du lịch Quảng Ngãi là chặng đường đầy chông gai, vất vả nhưng cũng rất đáng tự hào để vươn lên và hội nhập cùng bè bạn. Năm 1975, sau khi nước nhà thống nhất, tỉnh Quảng Ngãi được hợp nhất cùng tỉnh Bình Định với tên tỉnh mới Nghĩa Bình. Thị xã Quảng Ngãi lúc đó chỉ có 4 nhà nghỉ của tư nhân với quy mô nhỏ.

Khách sạn Sa Huỳnh có thể coi là cơ sở đầu tiên của Du lịch Quảng Ngãi được Tổng cục Du lịch Việt Nam chọn đầu tư với quy mô 10 phòng vào đầu năm 1982. Đến tháng 7 năm 1987 cùng với việc tỉnh Nghĩa Bình được tách ra thành 2 tỉnh là tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định thì Công ty Du lịch và Cung ứng tàu biển Nghĩa Bình cũng được tách ra thành 02 công ty là Công ty Du lịch Quảng Ngãi và Công ty Du lịch Bình Định. Lúc này, Công ty Du lịch Quảng Ngãi trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và ngành Du lịch Quảng Ngãi chính thức ra đời. Đến ngày 25/12/1990 UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 1815/QĐ-UBND về việc hợp nhất Công ty kinh doanh dịch vụ tổng hợp tỉnh và công ty Du lịch Quảng Ngãi thành Công ty Du lịch - Dịch vụ Quảng Ngãi trực thuộc Sở Thương nghiệp Quảng Ngãi. Ngành Du lịch Quảng Ngãi trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn cả về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật, một số khách sạn của ngành Thương nghiệp và nhà trọ, nhà nghỉ tư nhân xây dựng cùng  với sự xuất hiện các nhà khách của văn phòng UBND tỉnh, Công an, Quân đội, Công đoàn…tính chung cho giai đoạn 1989 – 2000 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 7 cơ sở lưu trú và một số nhà khách với khoảng 160 phòng. Lượt khách đón được khoảng 1.400 lượt và doanh thu khoảng 3.2 tỷ đồng.

 

Cũng trong thời gian này ngành du lịch lại được chuyển vào trực thuộc Sở Thương mại và Du lịch và đến năm 1999 Ban chỉ đạo Du lịch tỉnh được thành lập. Việc tham mưu công tác quản lý nhà nước về du lịch được Lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm hơn. Tuy phải đối mặt với khó khăn nhiều hơn thuận lợi, ngành du lịch Quảng Ngãi đã tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương (Tổng cục Du lịch ) và lãnh đạo tỉnh thông qua hoạt động của Ban chỉ đạo du lịch tỉnh, dần ổn định về tổ chức bộ máy, từng bước vươn lên sắp xếp lại trong kinh doanh.  Đến năm 2000 toàn tỉnh có 15 cơ sở lưư trú với 470 phòn, đón hơn 80.000 lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế hơn 4.000 lượt khách và doanh thu hơn 20 tỷ đồng.

 

Giai đoạn 2000 – 2006 với sự bùng nổ của ngành du lịch Việt Nam, hoạt động du lịch Quảng Ngãi đã có những chuyển biến tích cực, công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch ở các khu du lịch ( Khu du lịch Mỹ Khê và Khu du lịch Sa Huỳnh và về sau là đường lên khu du lịch anh hùng, liệt sỹ Bác sỹ Đặng Thùy Trâm) được khởi công đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia dành cho du lịch. Cùng với việc tái khởi công xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất cơ hội đầu tư được mở toan cánh cửa đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong đó chủ yếu là các nhà đầu tư, khách tham quan và chuyên gia các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Trước những yêu cầu về nơi ăn, chốn ở và các dịch vụ bổ trợ nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã đầu tư xây dựng mới cơ sở lưu trú và nâng cấp cơ sở lưu trú để đạt tiêu chuẩn từ 3 – 4 sao như khách sạn Petro Sông Trà, khách sạn Trung Tâm, khách sạn Mỹ Trà và sau này là khách sạn Hùng Vương, khách sạn Petrosetco, khách sạn Hoàng Mai…, một số khách sạn từ 1 – 2 sao và nhiều cơ sở lưu trú du lịch khác cũng tăng tốc đầu tư tạo nên sự đa dạng về hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch. Tính đến năm 2006 có 35 cơ sở lưu trú với 900 phòng, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có 04 doanh nghiệp trong đó có 01 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, thu hút khoảng 195.000 lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế là 12.500 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm gần 3.000 lao động ( 900 lao động trực tiếp và 2.100 lao động gián tiếp).

 

Tháng 10/2006 một Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch đã được Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành (NQ số 04-NQ/TU) và tiếp theo đó là việc ban hành các quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án, Kế hoạch phát triển du lịch cho từng giai đoạn; Du lịch Quảng Ngãi đã sang trang mới với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương. Tại báo cáo sơ kết 2,5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, Tỉnh ủy có nhận xét “ các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội đã khá nghiêm túc nghiêm cứu, quán triệt và cụ thể hóa để triển khai thực hiện. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngành du lịch tỉnh ta đã có bước phát triển mới và đạt được một số kết quả nhất định. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm đạt 25.3% đã góp phần tích cực vào tăng trưởng GDP toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động. Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ du lịch đã từng bước đầu tư đạt được một số kết quả; công tác đầu tư tôn tạo, khôi phục phát triển, hình thành các điểm du lịch, tuyến du lịch, các loại hình và sản phẩm du lịch văn hóa phi vật thể đã được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện; công tác xúc tiến du lịch từng bước được chú trọng hơn”

 

Và năm 2007 cùng với việc chuyển Tổng cục Du lịch vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì bộ phận quản lý du lịch của Sở Thương mại và Du lịch được nhập vào Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cho đến nay tổ chức bộ máy của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch dần được ổn định, Nghị quyết số 04-NQ/TU và các Đề án, Kế hoạch tiếp tục được triển khai, các khu du lịch như Mỹ Khê – Sa Huỳnh được đầu tư bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển của ngành. Các di tích văn hóa, lịch sử được đầu tư tôn tạo, các dự án quy hoạch khu du lịch mới như Thiên Ấn, Lý Sơn, Đặng Thùy Trâm đang được triển khai, cơ sở hạ tầng du lịch tiếp tục được quan tâm đầu tư. Và nhiều dự án phát triển du lịch như Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng, dự án phim trường Vina – Universal, Mỹ Khê Resort, Sa Huỳnh Resort…được các doanh nghiệp tích cực triển khai, hệ thống xe buýt của Công ty cổ phần Mai Linh đưa vào hoạt động đúng lúc giúp cho hai Khu du lịch Sa Huỳnh – Mỹ Khê tăng nhanh về lượt khách.

 

Tính đến 06 tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh có 66 cơ sở với hơn 1.600 phòng; đón khoảng 135.900 lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 8.134 lượt; và doanh thu đạt treen 103 đồng.

 

Những con số khiêm tốn trên đã dần khẳng định vai trò của một ngành kinh tế du lịch. Du lịch Quảng Ngãi phát triển sẽ tác động tích cực đến nhiều ngành kinh tế khác và ngược lại các ngành kinh tế khác phát triển là sự bổ trợ đắc lực giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng giải trí…của khách du lịch một khi đến Quảng Ngãi.

 

Thành tựu của hơn 20 năm ngành Du lịch Quảng Ngãi là đáng ghi nhận, nhưng để phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh và khắc phục những hạn chế, yếu kém, ngành du lịch Quảng Ngãi phải cố gắng nhiều hơn nữa cả trong nhận thức lẫn hành động, và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, động viên của Lãnh đạo tỉnh, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL, các cấp các ngành, các địa phương, chắc chắn du lịch Quảng Ngãi sẽ cùng du lịch cả nước cất cánh bay lên./.

 

                                                 Bài: Tạ Quy, Phó Giám đốc

                                 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi

                                        Ảnh minh hoạ: Phan Thanh Quyên, TITC

Nguồn: Sở VHTTDL Quảng Ngãi

Cùng chuyên mục