Hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Lễ hội Gióng là di sản văn hoá thế giới
“Mùng bảy hội Thám, mùng tám hội Dâu, mùng chín đâu đâu về thăm hội Gióng”. Cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng và ngày mùng 9 tháng 4 (Âm lịch) hàng năm, người dân huyện Sóc Sơn và Gia Lâm lại mở hội để tưởng nhớ người anh hùng làng Gióng. Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng là một hội trận nhưng thấm đậm tư tưởng nhân ái, vì hoà bình của người dân Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du Lịch Trần Chiến Thắng nhấn mạnh, trong tâm thức của người Việt, Thánh Gióng là vị Thánh đứng đầu trong các vị thần của người Việt ở Bắc Bộ, là một trong bốn vị Thánh bất tử (Tứ bất tử). Việc đăng ký Hội Gióng vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại là một thông điệp của người Việt gửi đến cộng đồng thế giới. Hội Gióng là một sinh hoạt văn hoá đang đứng trước những đòi hỏi phải bảo tồn và phát huy giá trị của nó. Qua Hội thảo này, các nhà khoa học trong nước và quốc tế sẽ cùng nhau giải đáp được những vấn đề về lễ hội cổ truyền trong đó có Hội Gióng”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBQG UNESCO của Việt Nam khẳng định, Chính phủ đã cho phép lập hồ sơ Hội Gióng đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Điều này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tăng cường bảo vệ và phát huy một cách bền vững các giá trị di sản. Hội thảo lần này sẽ tiếp thu các ý kiến đánh giá của các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, góp phần hoàn chỉnh hồ sơ đề cử.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học để xây dựng hồ sơ về một Lễ hội để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Hội thảo nhằm mục đích khẳng định những mặt tích cực, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần khắc phục để Lễ hội Gióng đảm bảo được 5 tiêu chí của UNESCO, trở thành di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.