Đền Hùng- Điểm nhấn quan trọng trong hành trình Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc
Mở đầu là lễ hội đền Mẫu Âu Cơ - Hiền Lương - Hạ Hòa - mồng bẩy tháng giêng, tiếp đến là các lễ hội truyền thống được tổ chức ở 13 huyện, thành, thị kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân kết thúc là lễ hội Đền Hùng - giỗ Tổ Hùng Vương mùng mười tháng ba âm lịch. Đồng thời, chương trình du lịch về nguồn 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai hàng năm đã thu hút lượng khách du lịch lớn về vùng đất Tổ vào dịp đầu năm tổ chức lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ và dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.
Năm Canh Dần 2010, giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng cũng là thời điểm mở đầu các hoạt động trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và gắn với lễ khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Canh Dần có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, không gian, nội dung tổ chức hoạt động được mở rộng để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm tôn vinh văn hoá dân tộc, khẳng định vị trí và ý nghĩa to lớn của ngày giỗ Tổ là Quốc lễ của dân tộc Việt Nam, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, bồi đắp đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống đại đoàn kết các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp để các thế hệ hôm nay nhớ về cội nguồn dân tộc, đặc biệt là lòng thành kính tri ân công đức dựng nước của các Vua Hùng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Đây còn là dịp quảng bá, thúc đẩy các hoạt động du lịch, thương mại, thu hút du khách trong nước và nước ngoài về đất Tổ, thực hiện chương trình Quốc gia về du lịch, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội. Năm Canh Dần 2010 là năm đầu tiên thực hiện Dự án tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm và đóng góp nguồn lực trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng, theo đó 9 tỉnh thành trong cả nước là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Cần Thơ, Kiên Giang, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc trực tiếp tham gia trong chương trình giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với nhiều hoạt động phong phú, mang bản sắc văn hóa đại diện các vùng miền trong cả nước.
Nhận thức về quy mô tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Canh Dần 2010, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các sở, ngành sớm tham mưu xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức; lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Bộ VHTTDL để xây dựng các văn bản có liên quan trình lên Chính phủ, đồng thời chủ động triển khai Đề án đã được phê duyệt trên tinh thần chỉ đạo tổ chức Quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trang trọng, thành kính kết hợp hài hòa các hoạt động truyền thống, dân tộc với các hoạt động văn hóa đương đại. Phần lễ và hội phải kết tinh nét đẹp của các hội làng truyền thống vùng Đất Tổ, nhất là các hội làng xung quanh khu vực Đền Hùng trong hội nước. Ngành VHTTDL Phú Thọ chủ động xây dựng chương trình kịch bản tổng thể tranh thủ các ý kiến đóng góp của các đơn vị có liên quan của Bộ VHTTDL. Các sở, ngành ở tỉnh để hoàn thiện trình UBND tỉnh báo cáo Ban chỉ đạo Nhà nước các ngày lễ lớn thông qua.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Canh Dần có nhiều hoạt động phong phú đặc sắc cả phần lễ và phần hội. Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng từ ngày 01/3 đến 10/3 âm lịch có nhiều hoạt động văn hóa. Khai mạc lễ hội Đền Hùng gắn với khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc với chủ đề “Linh thiêng đất cội nguồn”, Chương trình hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với màn biểu diễn nghệ thuật do các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân các tỉnh, thành tham gia giỗ Tổ Hùng Vương, các tỉnh vùng Đông Bắc, các đoàn nghệ thuật Trung ương trình diễn; tổ chức rước kiệu truyền thống các xã vùng ven khu di tích vào Đền Hùng, triển lãm ảnh tư liệu “Các vùng kinh đô Việt Nam”, triển lãm ảnh tư liệu “Giỗ Tổ Hùng Vương xưa và nay”, triển lãm tác phẩm hội họa, tranh thờ dân gian các dân tộc vùng Đông Bắc; triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ các làng nghề truyền thống; hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh dày, thi đấu các môn thể thao các dân tộc; giao lưu dân ca các vùng miền trong cả nước… Đặc biệt đêm 08/3 (âm lịch) tại sân Trung tâm lễ hội Cục biểu diễn nghệ thuật - Bộ VHTTDL tổ chức chương trình biểu diễn lớn với chủ đề “Kinh đô Văn Lang - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tỏa sáng”, ngày 09/3 trình diễn màn sử thi võ thuật dân tộc với chủ đề “Hào khí đất Việt”, đêm 09/3 tổ chức cầu truyền hình “Nối vòng tay nhân ái”, sáng 10/3 âm lịch tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Tại nhiều địa điểm trong thành phố Việt Trì và khu liên hợp thể thao sẽ tổ chức Hội trại văn hóa, liên hoan nghệ thuật quần chúng, Hội chợ Hùng Vương, triển lãm quảng bá tiềm năng du lịch, thương mại các tỉnh vùng Đông Bắc, thi đấu các môn thể thao dân tộc trong chương trình ngày hội Đông Bắc, trình diễn trang phục dân tộc; triển lãm ảnh, tác phẩm hội hoạ, thư pháp, triển lãm sách, tư liệu “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”; diễu hành lực lượng văn hóa dân gian trên các trục đường lớn, khánh thành Bảo tàng Hùng Vương, bắn pháo hoa tầm cao.
Có thể nói giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Canh Dần là kỳ tổ chức có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 17 tỉnh thành trực tiếp tham gia. Diễn trường của lễ hội kéo dài từ Đền Hùng đến ngã ba Bạch Hạc và nhiều địa điểm ở 2 huyện Lâm Thao và Phù Ninh về hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong đó có những điểm nhấn quan trọng, thu hút du khách, đồng bào và bạn bè quốc tế, đặc biệt là chương trình lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng sáng 10/3 âm lịch tại Đền Thượng Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Nét mới của lễ hội năm nay là các hoạt động văn hóa dân gian, các môn thể thao dân tộc, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, các hoạt động văn hóa khác sẽ kết hợp… trong không gian rộng, cùng với nhiều hình thức quảng bá tuyên truyền tiềm năng văn hóa du lịch không chỉ của tỉnh Phú Thọ, các tỉnh trong chương trình hợp tác du lịch về nguồn, mà còn cả các tỉnh vùng Đông Bắc, các tỉnh tham gia đóng góp nguồn lực giỗ Tổ Hùng Vương. Các công trình văn hóa đã hoàn thiện đưa vào sử dụng phục vụ các hoạt động giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng như Bảo tàng Hùng Vương, Đền Quốc Tổ Lạc long Quân; nhiều công trình trong khu di tích lịch sử Đền Hùng đã dược trùng tu, xây mới: Đền Trung, hệ thống kè chống sạt lở từ ngã 5 Đền Giếng đến cổng chính…
Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan tích cực chuẩn bị giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, tổ chức nhiều phiên họp và kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện chương trình theo kịch bản tổng thể đã được Bộ Trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt. Đến nay, công tác chuẩn bị giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm Canh Dần 2010 đã sẵn sàng. Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương sẽ là điểm nhấn quan trọng trong chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam, mà tâm điểm là ngày Quốc lễ, ngày cả dân tộc Việt Nam thành kính tri ân công đức dựng nước các Vua Hùng.