Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch Thái Nguyên tương xứng tiềm năng

Cập nhật: 11/08/2010 09:10:34
Số lần đọc: 2100
Thật sự thì tài nguyên du lịch Thái Nguyên, nhất là tài nguyên du lịch tự nhiên chưa đủ sức lôi cuốn đối với du khách. Trong nhiều năm qua, quan điểm phát triển du lịch của tỉnh cũng chưa rõ nét, cho nên việc quy hoạch du lịch đón đầu, định hướng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn gặp khó khăn, thậm chí đầu tư không hiệu quả.

Nền kinh tế địa phương nhìn chung còn nghèo, đường giao thông, hệ thống cấp nước sạch và hạ tầng du lịch; cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, v.v còn thiếu và yếu. Ðội ngũ chuyên môn làm du lịch chưa chuyên nghiệp. Hình ảnh của du lịch Thái Nguyên đối với du khách và các hãng lữ hành hiện khá mờ nhạt và thiếu tính hấp dẫn cần thiết. Tỉnh cũng chưa có được một khu du lịch nào được đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại và có được tiếng vang tương xứng tầm quốc gia, thu hút đông du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

 

Với những hạn chế và khó khăn hiện tại, trước mắt, du lịch Thái Nguyên nên tập trung phát triển du lịch tham quan văn hóa - lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng dựa trên tiềm năng khu di tích lịch sử Chợ Chu - ATK Ðịnh Hóa, chú trọng đầu tư, quảng bá cho du lịch cuối tuần Hồ Núi Cốc và đón khách quốc tế quá cảnh đường bộ. Trong đó, du lịch tỉnh cần quảng bá nhằm vào những đối tượng khách phổ biến đi theo đoàn vừa và lớn từ 15 đến 30 khách/đoàn, chủ yếu là học sinh, sinh viên và khách hơn 55 tuổi là người hưu trí, cựu chiến binh. Ðây là đối tượng khách quan tâm đến lịch sử, truyền thống cách mạng. Tiếp theo là khách du lịch trong nước đi theo gia đình, theo nhóm hoặc theo cơ quan, đoàn thể đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận để tham quan và nghỉ tại Hồ Núi Cốc theo chương trình đi trong ngày hoặc ở lại một đêm. Cuối cùng là khách quốc tế đi theo các tua vòng cung đông bắc do các hãng lữ hành quốc tế tổ chức. Trên hành trình của mình, họ có thể ghé thăm Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và một số điểm du lịch khác.

 

Từ thực trạng phát triển du lịch và đối tượng thị trường khách, để phát triển, du lịch Thái Nguyên phải có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn. Xu hướng phát triển độc lập sẽ làm cho sản phẩm du lịch của Thái Nguyên vốn đã không phong phú càng trở nên kém đa dạng và thiếu sức lôi cuốn. Quan điểm liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển du lịch theo vùng nên được thống nhất trong mọi sự chỉ đạo, định hướng và thể hiện rõ trong công việc cụ thể. Ngành du lịch tỉnh nên kiên quyết áp dụng quan điểm "làm lại từ đầu" trong quy hoạch, đầu tư xây dựng ở một số điểm du lịch và cả trong cách tiếp cận, làm thay đổi quan niệm của du khách cũng như của các hãng lữ hành về du lịch Thái Nguyên. Vấn đề là cần chọn một điểm nhấn cho quá trình "làm lại" này của tỉnh. Có thể chọn một điểm du lịch phù hợp là trọng tâm cho đầu tư xây dựng hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ, rồi quảng bá mạnh mẽ đưa ra thị trường để thu hút du khách.

 

Về lâu dài, Thái Nguyên cần có một quy hoạch bài bản, rõ ràng hơn làm cơ sở đầu tư và phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên cần lưu ý hai điểm. Thứ nhất, do các hạn chế về tiềm năng và sản phẩm du lịch thực tế chưa thật phong phú, tỉnh cần thực hiện quy hoạch du lịch mang tính liên vùng với sự tham gia của Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Một quy hoạch như vậy sẽ thể hiện rõ mối liên kết giữa các địa phương trong nỗ lực phát triển du lịch, tạo tính đa dạng, hấp dẫn và khả thi cho các sản phẩm du lịch của vùng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Thứ hai, khác với quy hoạch của các trung tâm du lịch lớn có tài nguyên đa dạng, quy hoạch du lịch vùng ba tỉnh nên tập trung đi sâu vào quy hoạch tại một số điểm du lịch chính trong vùng. Ðối với Thái Nguyên, đó có thể là khu du lịch ATK Ðịnh Hóa, Hồ Núi Cốc, khu suối Mỏ Gà - hang Phượng Hoàng ở huyện Võ Nhai.

 

Trong lĩnh vực đầu tư, Thái Nguyên là tỉnh còn nghèo, ngân sách hạn chế, việc xác định chiến lược và kế hoạch đầu tư cho du lịch lại càng quan trọng. Nên đầu tư có trọng điểm, bài bản, kỹ lưỡng để bảo đảm hiệu quả đầu tư và nâng cao hiệu quả thu hút và phục vụ du khách. Trước mắt, tại các điểm du lịch đón khách, tỉnh nên quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp các nhà dừng chân có mái che,  nhà hàng, bãi để xe ô-tô, nhà vệ sinh. Ðây là những công trình cần được ưu tiên đầu tiên tại các điểm du lịch đã được lựa chọn. Còn cơ sở lưu trú sẽ được xây dựng tiếp theo ở những nơi xét thấy cần thiết. Ưu tiên xây dựng các nhà hàng, nhà sàn, nhà nghỉ bằng các nguyên liệu thiên nhiên gỗ, tranh, tre, nứa, lá có quy mô vừa và hợp lý. Tại những điểm du lịch chính như TP Thái Nguyên và khu Hồ Núi Cốc không nên xây dựng những khách sạn 4-5 sao, quy mô lớn, nhiều tầng mà nên xây các khách sạn hai, ba tầng với kiến trúc đẹp đạt tiêu chuẩn 2-3 sao, bố trí trong các khuôn viên xanh, rộng rãi, yên tĩnh và biệt lập nhằm đón những đoàn khách quốc tế quá cảnh đường bộ và khách công vụ.

 

Theo giới chuyên môn, ngành du lịch Thái Nguyên nên tổ chức một tổ công tác kỹ thuật gồm các chuyên gia du lịch, lữ hành nhiều kinh nghiệm, có chuyên môn giỏi để khảo sát lại thực địa một cách chi tiết và tổng thể toàn tỉnh và lập báo cáo chính thức về bản đồ du lịch hiện tại của tỉnh, làm cơ sở để từ đó xây dựng các tuyến, điểm du lịch và đề xuất những loại hình, sản phẩm du lịch có tiềm năng thực tế nhằm đưa vào quảng bá, phục vụ du khách. Du lịch Thái Nguyên cần đặc biệt chú ý đến thị trường khách trong nước nghỉ cuối tuần đến từ Hà Nội, cũng như các đoàn khách tham quan, về nguồn, không ngừng nâng cấp các tua du lịch thăm hang động, nhà vườn, nông trường và xưởng sản xuất chè, góp phần tăng tính đa dạng, hấp dẫn của các chương trình du lịch đã có và sắp triển khai trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục