Hoạt động của ngành

Hải Dương: Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch

Cập nhật: 11/08/2010 10:39:30
Số lần đọc: 2993
Hải Dương nằm ở vị trí tâm điểm của tam giác kinh tế phía bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có diện tích 1654,8km2; dân số trên 1,7 triệu người. Hải Dương là một trong những vùng đất “địa linh nhân kiệt” gắn liền với tên tuổi của nhiều vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Khúc Thừa Dụ…
Đây là vùng văn hóa và văn hiến tâm linh của cả nước với trên 3000 di tích lịch sử văn hóa trong đó có 148 di tích được xếp hạng quốc gia mà tiêu biểu là di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; nhiều làng nghề nổi tiếng trong và ngoài nước như: gốm Chu Đậu, vàng bạc Châu Khê, chạm khắc gỗ Đông Giao... Với nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú như núi Côn Sơn, núi Phượng Hoàng, núi An Phụ, núi Dương Nham, động Kính Chủ...; và những vùng sinh thái hấp dẫn như sông Hương - Thanh Hà, đảo Cò Chi Lăng Nam - Thanh Miện.

Sử sách nước nhà đã ghi được 2.898 vị đỗ đại khoa các triều đại thì Hải Dương có 486 vị, chiếm hơn 16% của cả nước. Tiêu biểu là làng Mộ Trạch huyện Bình Giang, được gọi là “ Lò tiến sỹ xứ Đông” có 36 vị đỗ đại khoa. Với “điểm đến” như thành phố Hải Dương, Côn Sơn - Kiếp Bạc, khu di tích Phượng Hoàng, An Phụ - Kính Chủ; Văn Miếu Mao Điền, đảo Cò Chi Lăng Nam; gốm Chu Đậu.

Hệ thống doanh nghiệp du lịch của tỉnh ngày càng phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ khách du lịch không ngừng được nâng cấp, Tính đến hết tháng 6 năm 2010, toàn tỉnh đã có 132 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số trên 2.500 phòng, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn 3 sao, 6 khách sạn xếp hạng 2 sao, 9 khách sạn xếp hạng 1 sao. 21 doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch với tổng số gần 1000 xe ô tô các loại, 13 doanh nghiệp lữ hành và 18 doanh nghiệp kinh doanh điểm dừng chân, dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch ngày càng mở rộng với sự phong phú về loại hình, đa dạng về hình thức, phục vụ mọi đối tượng khách hàng có nhu cầu, đảm bảo chất lượng các dịch vụ đồng bộ, giá cả hợp lý như: chơi golf, tennis, massage, sản phẩm lưu niệm, ăn uống…

Hoạt động kinh doanh du lịch giai đoạn 2006 – 2010 có tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch 20%, doanh thu du lịch 15,2%. Tính đến 6 tháng đầu năm 2010 đón được 285.570 lượt khách du lịch; doanh thu du lịch đạt 365 tỷ. Ngoài hiệu quả thu được về kinh tế, du lịch phát triển còn mang lại hiệu quả xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho 3.745 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và hàng chục nghìn lao động gián tiếp, góp phần thiết thực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Định hướng phát triển du lịch Hải Dương thành hai vùng chủ yếu như sau:

Vùng một: Trọng điểm du lịch là huyện Chí Linh và vùng phụ cận là huyện Kinh Môn. Đây được xác định là vùng du lịch trọng điểm của tỉnh và là khu du lịch quan trọng của quốc gia. Ưu tiên đầu tư khu vui chơi giải trí, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ du khách. Theo đó, phát triển các loại hình du lịch văn hoá lịch sử (Tham quan di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Lăng mộ và Đền thờ Chu Văn An, tham dự các lễ hội truyền thống), du lịch sinh thái, du lịch thể thao, leo núi, bơi thuyền, đua ngựa, nghỉ dưỡng cuối tuần. Các điểm du lịch như: Khu Côn Sơn - Kiếp Bạc, Sân Golf ngôi sao Chí Linh, núi Phượng Hoàng (Đền thờ Chu Văn An), Khu vực hồ Mật Sơn, Khu vực rừng, hồ Bến Tắm; rừng, chùa Thanh Mai, núi Dương Nham (động Kính Chủ) - An Phụ.

Vùng hai: Trọng điểm du lịch thành phố Hải Dương và các vùng phụ cận là các huyện còn lại trong tỉnh có tiềm năng về du lịch như Nam Sách, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Ninh Giang… Phát triển thành trung tâm du lịch hội nghị, hội thảo, thể thao kết hợp với tham quan di tích lịch sử văn hóa, Bảo tàng cách mạng, công trình kiến trúc; Du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, du lịch làng nghề. Các điểm du lịch chính như: Khu phía Tây thành phố (Khu du lịch đảo Ngọc), Khu phía Đông thành phố (Khu du lịch sinh thái Hà Hải), Khu du lịch sinh thái vùng dọc sông Hương, Đảo Cò - Chi Lăng Nam, Các làng nghề thủ công truyền thống.

Mục tiêu từ nay đến năm 2015, du lịch Hải Dương phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 về khách du lịch lưu trú 15%/năm; tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch 18%/năm. Tổng lượt khách du lịch: 3.750 lượt người trong đó: Khách lưu trú: 1.150.000 lượt, khách không lưu trú: 2.600.000 lượt (tốc độ tăng trưởng 10,2%). Doanh thu du lịch: 1.556 tỷ; đầu tư phát triển khu Côn Sơn - Kiếp Bạc thành khu du lịch quốc gia.

Du lịch Hải Dương đang khẳng định vị thế của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội; đang nỗ lực không ngừng để vươn lên hòa nhập cùng sự phát triển của du lịch cả nước, phát huy truyền thống của một vùng đất giàu đẹp, văn hiến và anh hùng, luôn mang niềm tự hào, là điểm đến của du khách trong thập kỷ mới.

 

Nguồn: Baodulich.net

Cùng chuyên mục