Hành trang lữ khách

Bhơ Hôồng 1 (Quảng Nam) – điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn

Cập nhật: 12/08/2010 14:29:31
Số lần đọc: 3763
Từ đường 604, qua địa phận xã Sông Kôn (Đông Giang - Quảng Nam) có cây cầu treo với cổng chào mang dòng chữ: “Thôn Văn hóa Bhơ Hôồng 1”. Nơi đây là điểm du lịch khám phá, hấp dẫn của nhiều du khách.
Năm 2006, thôn văn hóa Bhơ Hôồng 1 được ngành Du lịch Quảng Nam chọn là điểm du lịch cộng đồng. Hàng năm, đến thời điểm gần Tết cổ truyền, làng nghề đan lát, dệt thổ cẩm hoạt động sôi nổi với những sắc màu “Cơ Tu” hài hòa bên dãy Trường Sơn đại ngàn hoang dã.
Năm 1996, già làng Bríu Prăm, nguyên Bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện Đông Giang trở về làng sinh sống. Ông đã cùng hội đồng già làng trong thôn họp bàn để thành lập tổ đan lát, dệt thổ cẩm, khôi phục nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Hiện nay, đã có 20 hộ theo nghề dệt thổ cẩm, sản xuất ra những tấm vải đẹp, mang hoa văn họa tiết đặc trưng cho dân tộc mình. Hiện nay, thu nhập bình quân của 20 hộ trong làng nghề này đạt 4 - 5 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ mô hình làng nghề này, lớp trẻ không quên được nghề truyền thống của bộ tộc mình, vừa làm ra sản phẩm tiêu dùng và bán cho khách du lịch kiếm thêm thu nhập. Mô hình làng nghề truyền thống của Bhơ Hôồng 1 đã được xã chọn làm điểm nhân rộng sang 5 làng đồng bào Cơ Tu lân cận trong xã.
Theo đánh giá của ngành chức năng xã Sông Kôn, thì Bhơ Hôồng 1 là thôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Từ năm 2001 đến nay, hầu như năm nào cũng có 100% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, không sinh con thứ 3, không mắc tệ nạn xã hội. Năm 2005, Bhơ Hôồng 1 trở thành làng đầu tiên của xã đạt danh hiệu làng văn hóa dân tộc thiểu số tiêu biểu cấp tỉnh.

Tại làng Bhơ Hôồng 1, du khách có thể dạo quanh khu vực nhà Gươl, xem những nghệ nhân đan lát, dệt thổ cẩm với những sắc màu truyền thống Cơ Tu. Du khách có thể ghé thăm nhà của đồng bào, mỗi căn nhà có sàn làm bằng lồ ô cao cách mặt đất trên 0,5m. Trong bếp lúc nào cũng có khúc củi to đang cháy dần. Trên bếp lửa là giàn bếp, dùng để xông các thứ như sắn tươi, bắp, thịt rừng, cá suối…và ăn cơm tại bếp luôn. Khi chiều về, du khách có thể đứng trên cầu treo ngắm sông Kôn lững lờ uốn lượn và nhìn những em bé Cơ Tu bắt cá dưới sông bằng những ngư cụ truyền thống trong bầu không khí thoáng đãng, mát mẻ tạo thêm sự hấp dẫn cho khách phương xa. 
 

Nguồn: baodulich.net

Cùng chuyên mục