Non nước Việt Nam

Tranh Ðông Hồ

Cập nhật: 12/06/2008 08:06:34
Số lần đọc: 2304
Làng Ðông Hồ cách trung tâm thị trấn huyện lỵ không xa, nơi đó có thị trấn Hồ, có chợ Hồ, nơi lái buôn tứ xứ tấp nập đổ về cất tranh Tết. Cũng như bao làng nghề cổ khác, tranh Ðông Hồ lúc thịnh, lúc suy tùy theo thị hiếu, mức sống của người tiêu dùng. Có một thời gian khá dài cứ ngỡ rồi làng tranh Ðông Hồ sẽ chìm vào quên lãng, như dòng tranh phố Hàng Trống, tranh làng Kim Hoàng.

Hồi còn nhỏ, tôi thường thấy cứ giáp Tết Nguyên đán là vỉa hè phố Hàng Bồ, phố Hàng Trống lại ngập tràn tranh Tết, cạnh đó là các cụ già khăn xếp, áo the bò dài trên chiếu viết câu đối Tết. Ðã bao đời rồi người Việt Nam vẫn quan niệm Tết đến, dù giàu hay nghèo, cũng phải có cặp bánh chưng hay bánh tét, con gà luộc để cúng gia tiên. Còn cái làm cho các gian nhà thêm sáng sủa, thêm sống động, vui tươi là những bức tranh vẽ đủ thứ, từ con người, cây cỏ, muông thú; từ các vị Anh hùng dân tộc được người dân ngưỡng mộ, hương khói nơi đình, đền như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Vương Quyền, Ðinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận, Lý Thường Kiệt, Hưng Ðạo Vương Trần Hưng Ðạo, Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Dã Tượng, Quang Trung Nguyễn Huệ... đến muôn cảnh đời thường nơi thôn dã, phố phường. Thuở ấy, tranh Tết thật sinh động, phong phú về mầu sắc, đa dạng về chủng loại bởi có tới ba dòng tranh lớn là tranh Ðông Hồ, tranh Kim Hoàng (Hà Tây), tranh Hàng Trống (Hà Nội). Nay các dòng tranh Kim Hoàng, Hàng Trống đã vắng bóng trên thương trường, từ lâu chỉ còn lại tranh Ðông Hồ. Làm sao khác được, thú chơi tranh, óc thẩm mỹ, thị hiếu của người tiêu dùng nay đã khác xưa. Mọi sự vật có sinh ắt có mất, âu đó cũng là lẽ thường tình khó tránh.

 

Làng Ðông Hồ cách trung tâm thị trấn huyện lỵ không xa, nơi đó có thị trấn Hồ, có chợ Hồ, nơi lái buôn tứ xứ tấp nập đổ về cất tranh Tết. Cũng như bao làng nghề cổ khác, tranh Ðông Hồ lúc thịnh, lúc suy tùy theo thị hiếu, mức sống của người tiêu dùng. Có một thời gian khá dài cứ ngỡ rồi làng tranh Ðông Hồ sẽ chìm vào quên lãng, như dòng tranh phố Hàng Trống, tranh làng Kim Hoàng.

 

Thế rồi tranh Ðông Hồ sống lại, tuy cả làng Ðông Hồ bây giờ chỉ còn vài gia đình, con cháu của các nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế, Nguyễn Hữu Sam, Trần Nhật Tuấn là sống bằng nghề tranh và lại sống sung túc ở làng, có nhà tầng, sân gạch rộng rãi, lại có đại lý, phòng tranh ở Hà Nội để khách du lịch nước ngoài thuận tiện  xem tranh, mua tranh. Có tranh in lối thủ công xưa, lại có lịch treo, lịch bàn in tranh Ðông Hồ làm theo dây chuyền hiện đại.

 

Ði trên đường làng lát bê-tông rộng rãi vương đầy rơm rạ mùa gặt thường xuyên thấy các gia đình làm đồ hàng mã phục vụ tín ngưỡng, tâm linh dân chúng. Làm sao khác được, "sinh ư nghệ, tử ư nghệ", sống chết với nghề đâu có dễ, vả lại chỉ mấy gia đình làm tranh cũng đã dư sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, làm nhiều hơn nữa biết bán cho ai? Mà tranh Ðông Hồ cũng nhiều thể loại lắm, tức là ngay từ xưa dân chúng thích loại tranh gì thì người làng Ðông Hồ sản xuất loại tranh đó. Vừa lòng người tiêu dùng mà, ai bảo mãi tới bây giờ dân ta mới làm ăn theo cơ chế thị trường?

 

Nào tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh sinh hoạt (nào đánh ghen, hứng dừa, thi võ, đi bừa, thả diều, thổi sáo trên lưng trâu...), tranh vẽ theo các tích truyện, tranh phong cảnh, tranh loài vật (đám cưới chuột, chuột múa lân, thầy đồ ếch, lợn, gà, ngan, ngỗng...). Có tranh bộ (hai tới tám tranh), lại có tranh đơn.

 

Tranh in trên giấy dó nay chỉ còn làng Ðông Cao, làng Dương Ổ ở Bắc Ninh sản xuất, còn xưa kia có thêm vùng Bưởi, Yên Thái (Hà Nội). Gia phả dòng họ Ngô ở Dương Ổ viết trên giấy dó còn ghi nghề làm giấy dó ở ta có từ trước thế kỷ 15, tức là xưa lắm rồi người Việt mình đã có nghề làm giấy. Hồi tôi còn nhỏ, giấy bản, giấy moi của vùng Bưởi, Yên Thái ven nội thành Hà Nội không chỉ dùng để viết chữ Nôm, chữ Hán mà còn dùng để cuốn những điếu thuốc lá sâu kèn.

 

Rồi mầu sắc trên tranh Ðông Hồ hoàn toàn làm bằng các loại cây cỏ thiên nhiên, tuyệt đối không dùng phẩm mầu hóa chất; mầu trắng từ con điệp của vùng sông nước Quảng Ninh, mầu đỏ son chế từ một loại sỏi ở Bắc Giang, mầu chàm từ lá cây chàm, mầu vàng  từ hoa hòe, mầu đen từ tro lá tre. Mỗi mầu tranh được hoàn thiện bởi bốn tới năm bản khắc gỗ, mỗi bản khắc gỗ một mầu in khác nhau. Không phải gỗ nào cũng dùng làm bảng khắc gỗ được, có hai loại gỗ phổ biến thớ mịn, cứng, không bị sứt mẻ, dai là gỗ thị và gỗ mỏ quạ (còn gọi là gỗ mực). Hai loại gỗ này quá sẵn ở các vùng quê châu thổ đồng bằng Bắc Bộ và trên rừng, còn gỗ vàng tâm, quá tốt, nhưng lại quý hiếm nên thường chỉ dùng làm hoành phi, câu đối sơn son, thiếp vàng ở các gia đình khá giả.

 

Chổi phết hồ, phết điệp làm từ lá thông và bàn xoa phải là xơ mướp bởi vừa xốp, vừa đàn hồi mới miết chặt tờ giấy dó vào các góc cạnh của bản khắc gỗ. Chao ôi, kỳ công lắm mới làm ra được những bức "tranh Ðông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Mầu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp", mới tạo ra những bức tranh sinh động đủ vẻ, đủ cảnh, đủ người như tranh anh chàng hai vợ đang "phân bua" với bà vợ cả, rồi tranh "mẹ con đàn lợn âm dương", rồi "đám cưới chuột" đủ cờ quạt, võng lọng, ngựa xe, không thể thiếu mấy chàng chuột mang cá, mang chim tới hối lộ quan lớn mèo để "há miệng mắc quai" làm sao còn dám thi hành nhiệm vụ diệt lũ chuột phá hoại mùa màng...

 

Cũng như nhiều làng nghề cổ xưa khác, chẳng phải chỉ riêng ở ta mà thế giới cũng vậy thôi, không tránh khỏi bước thăng trầm với thời gian. Có nghề bị mai một, vì không còn phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, có nghề bị thất truyền do phải giữ bí mật nghề nghiệp mà thầy chưa tìm được học trò ưng để truyền nghề thì đã qua đời, nhưng cũng có nghề, có cả làng nghề, bị xóa sổ chỉ bởi sự chủ quan, duy ý chí của một số người bày đặt ra những quy định không phù hợp với cuộc sống, khiến người làm nghề không thể sống nổi bằng nghề. Trong muôn vàn làng nghề, tranh Ðông Hồ, Thuận Thành là một nghề sang trọng, cần được trân trọng, bảo tồn.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT