Đình Thứa Thượng: Một di tích kiến trúc quý của Vĩnh Phúc
Truyền rằng, trước nạn giặc ân vào đời Hùng Vương thứ 6, ba anh em chiêu mộ dân binh trong vùng, phò Vua, giúp nước, đánh đuổi giặc thù, giữ yên bờ cõi. Trên đường tiến quân, dừng chân ở đất Thứa, đào giếng nuôi quân (nay còn giếng nguồn không bao giờ cạn), buổi khải hoàn, Vua phong chức tước, Hùng Liệt, Hùng Dũng, Hùng Đô lại trở về khao quân trên núi, cùng hoá một ngày, dân Thứa gọi là núi Vua. Đời sau, nhân dân ghi ơn đức, lập miếu phụng thờ, khói hương mãi mãi.
Trong một khuôn viên rộng 10.700m2, trên một quả gò thấp, đình Thứa Thượng ẩn hiện dưới tán hàng muỗm cổ thụ 200 năm tuổi, gồm 2 toà kiến trúc: Đại đình 3 gian, 2 dĩ nối với hậu cung 2 gian tạo hình chữ “đinh”, diện tích toàn đình 198m2.
Trên câu đầu bên phải đại đình còn dòng lạc khoản: “Cảnh Hưng tứ thập niên cửu nguyệt nhị thập nhật”, tức ngày 20 tháng 9 năm 1779 dựng đình, nay đã qua 2 lần trùng tu lớn (năm 1936 và năm 2002) mà vẫn giữ nguyên giá trị kiến trúc thời Hậu Lê theo dạng thức bộ vì kiểu “chồng rường” và “thượng rường hạ bẩy”. Hệ thống chịu lực gồm 4 hàng cột gỗ lim, đường kính 0,50m, đều kê trên chân tảng đẽo gọt công phu để đến nay vẫn còn nguyên sắc thiết. Lối kiến trúc truyền thống rường - bẩy đã tạo ra nhiều khoảng không gian nền cho nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian ở tất cả các chi tiết: Đầu dư, dép hoành, thân bẩy, các bức cốn mê, cốn nách, xà rồng, cửa võng… thể hiện các đề tài trang trí: Rồng - phượng trong phong cách nghệ thuật hoá thân: Các linh vật luôn hoá đổi thành chim muông, hoa lá, cùng cảnh sắc thiên nhiên phong vân vần vũ, góp phần bổ khuyết cho kiến trúc, đồng thời nâng cao giá trị mỹ thuật, tôn thêm vẻ uy linh, nghiêm cẩn nơi thánh thần ngự tọa - một đặc điểm của tư duy kiến trúc và mỹ thuật dân gian của vùng châu thổ các dòng sông: Tự nhiên và cuộc sống luôn là đề tài chủ đạo cho mọi sáng tạo nghệ thuật, nhất là nghệ thuật xây dựng các công trình kiến trúc tín ngưỡng.
Một đặc điểm đáng chú ý của một ngôi đình rất hiếm gặp khi được xây dựng cách biệt hẳn khu dân cư, thế đứng của đình thuộc thế âm, phía trước đình là một gò cao án toàn mặt tiền, phía sau là khu đồng trũng - là dòng chảy xưa của sông Phan nay đã chuyển dòng. Tại sao khi dựng đình, các cụ xưa chọn thế đứng như vậy vẫn đang là vấn đề ngỏ lý thú trong qúa trình nghiên cứu, tìm hiểu về cội nguồn mà chưa có lời giải đáp thoả đáng.
Đình Thứa với bốt Thứa, giếng Ngọc, núi Vua, ao Bạch…hình thành nên một hệ thống di tích quý, gắn kết với những truyền thuyết và sự thật lịch sử về bản anh hùng ca dựng và giữ nước của vùng đất Tam Dương, là tiền đề cho những định hướng về một không gian, du lịch tín ngưỡng - lịch sử và sinh thái đặc thù của miền trung du Vĩnh Phúc.