Thăm nhà cổ Bình Thủy, Cần Thơ
Ngoài Chợ nổi Cái Răng, làng sinh thái Mỹ Khánh, Gáo Giồng, bến Ninh Kiều, vườn cò Bằng Lăng…, một điểm du lịch hấp dẫn mà du khách đến Cần Thơ không thể không ghé thăm đó là vườn lan cổ Bình Thủy, còn gọi là nhà cổ Bình Thủy nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Thành phố Cần Thơ.
Kho cổ vật quý hiếm đất Tây Đô
Dừng xe ta-xi, đi bộ từ ngoài đường chính vào vườn lan Bình Thủy quãng chừng hơn 100 m thì tới. Ngôi nhà cổ được gia đình họ Dương xây vào năm 1870 nằm ẩn sâu so với những ngôi nhà cao tầng hiện đại đang tấp nập mọc lên nơi đây.
Bước chân qua cánh cổng sắt, mà sau này qua cuộc trò chuyện với chủ nhân hiện tại của ngôi nhà, chúng tôi được biết, cùng với gạch bông hoa hồng đỏ đen lát nền nhà được chủ nhân kỳ công đặt và vận chuyển từ Pháp sang, ngôi nhà mang dáng dấp kiểu Pháp với nền nhà cao hơn so với mặt sân một mét hiện ra vừa sang trọng, vừa có vẻ đẹp lạ lẫm.
Đang ngó nghiêng tìm lối vào nhà, tiếng người đàn bà với chất giọng nhẹ nhàng của phụ nữ Nam Bộ cất lên: "Cô chú cứ ra đằng trước, tôi lên mở cửa liền".
Để lên được bậc thềm nhà, phải bước lên bốn bậc thang hình cánh cung tao nhã, trang trí hoa văn nối kết tòa nhà với khoảng sân rộng. Người đàn bà nhỏ nhắn mở cửa cho chúng tôi là bà Ngô Thị Ngọc Liên, vợ của trưởng nam hậu duệ đời thứ sáu chủ ngôi nhà này. Trước đây, bà là giáo viên dạy cấp hai. Sau ngày về hưu, hằng ngày bà dậy từ năm giờ sáng, đi chợ, lo toan cơm nước cho đại gia đình, sau đó mở cửa đón tiếp du khách thăm quan. Những lúc rỗi rãi hoặc không có khách, bà lại tỉ mẩn lau chùi, quét dọn một cách công phu từng thứ đồ đạc trong ngôi nhà.
Kiến trúc bên trong theo phong cách truyền thống gia đình Việt
Chưa kịp trầm trồ hết sự tinh tế và tài hoa trong phong cách kiến trúc Pháp phía ngoài ngôi nhà, vừa bước chân vào bên trong, chúng tôi đều ồ lên một cách bất ngờ khi toàn bộ nội thất bên trong ngôi nhà hoàn toàn theo phong cách kiến trúc, bài trí đặc trưng của một gia đình Việt.
Nơi trang trọng nhất tại gian giữa của ngôi nhà là bàn thờ, khán thờ tổ tiên ông bà được sơn son, thếp vàng, giường thờ, sập gụ cẩn xà cừ, chạm khắc cực kỳ tinh xảo theo chủ đề sinh hoạt sông nước miền Tây Nam Bộ.
Ðiều quý giá hơn nữa là ngôi nhà sở hữu một "kho đồ cổ" được gìn giữ từ bao đời như: hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam (Trung Quốc), mặt bàn bằng đá cẩm thạch, vân xanh, đường kính 1,5m, dầy hơn 6cm; bộ xa lông kiểu Pháp đời Lu-i XV mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh; chùm đèn bạch đăng thế kỷ 18; cặp đèn treo thế kỷ19... Thảo nào mà thú chơi đồ cổ của gia đình họ Dương đất Bình Thủy từng lẫy lừng "lục tỉnh" một thời vẫn còn nguyên vẹn đến ngày hôm nay.
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, chỉ cần bỏ hai, ba cây vàng đã mua được căn nhà lầu giữa phố chợ, có người đến trả chủ nhân ngôi nhà đôi bình thượng ngọc men xanh cao 1,2m giá tới 25 cây vàng, hay "vua muối" đất Bạc Liêu Trần Trinh Trạch từng đòi gia chủ nhượng lại đôi ngà voi mua trên Sài Gòn những năm 40 với giá "bao nhiêu cũng được", nhưng họ Dương nhất định không chịu.
Bà Liên cho biết, cho đến tận bây giờ, dân săn lùng đồ cổ vẫn thường xuyên tìm về đây “gạ” gia đình bán những thứ đồ cổ có trong ngôi nhà... Bà nói: "Tôi về làm dâu gia đình họ Dương đã 40 năm, có những đận gia đình túng thiếu, không có cái ăn, bản thân bố chồng tui là ông Dương Văn Ngôn và chồng tui phải đi làm mướn kiếm tiền nhưng vẫn không bán đồ gia bảo của gia đình".
Khi Nam Bộ bị thực dân Pháp chiếm đóng, gia đình bà đi tản cư thực hiện “tiêu thổ kháng chiến” cũng chỉ đem theo được một số đồ vật quý chứ không thể mang hết vật dụng trong gia đình. Thực dân Pháp đã chiếm đóng và cho quân ở trong ngôi nhà này ba năm liền. Khi ấy, chiến tranh đã khiến cả hai bên từng có ý định phá hủy ngôi nhà vì không muốn bên nào sở hữu. Bà cười: "Nếu thực hiện được ý định đó thì bây giờ Nhà nước, Cần Thơ đã mất đi một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia".
Bà Liên cũng cho biết ngôi nhà giờ là nhà thờ của họ Dương. Ngày thường mở cửa đón khách, còn những ngày lễ, Tết, giỗ của dòng họ, là nơi tập trung con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên và dịp gặp gỡ, ăn uống linh đình.
Đồ dùng sinh hoạt bằng gốm cổ.
Cơ duyên với văn học, nghệ thuật
Nhà cổ Bình Thủy còn nổi tiếng trong và ngoài nước bởi rất có cơ duyên với nghệ thuật thứ bảy. Nơi đây, từng là bối cảnh cho hàng chục bộ phim nổi tiếng như “Những nẻo đường phù sa”, ”Người đẹp Tây Đô”, “Nợ đời”, hiện vẫn lưu giữ nhiều bút tích của các diễn viên đóng phim như Việt Trinh, Mỹ Uyên. Đặc biệt, đạo diễn người Pháp JJ.Annaud từng ở trong ngôi nhà suốt một tuần lễ chỉ đạo những cảnh quay trong bộ phim “Người tình”. Theo chủ nhân của ngôi nhà kể lại, vẻ đẹp cổ kính và sang trọng của ngôi nhà đã khiến ông đạo diễn khó tính phải sửng sốt và khẳng định chính nội thất của ngôi nhà đã nâng thêm giá trị cho bộ phim. Sau này, đạo diễn JJ.Annaud tâm sự, những ngày ở tại nhà cổ Bình Thủy là ngày rất đẹp trong cuộc đời làm phim của ông.
Anh chị Monia và Franco, du khách I-ta-li-a đi vài vòng quanh ngôi nhà, tỉ mẩm ngắn nhìn từng đồ vật một cách lạ lẫm và thích thú. Đặc biệt dừng lại hồi lâu bên bút tích của người đạo diễn tài ba người Pháp, Monia cho biết: "Chúng tôi biết đến ngôi nhà qua bộ phim “Người tình”. Khi đến thăm quan nơi này thấy phong cảnh rất đẹp, càng hiểu rõ giá trị của bộ phim, hiểu thêm bối cảnh lịch sử mà bộ phim đề cập".
Các loại hoa lan quý vẫn nở hoa rực rỡ trong vườn.
Nhà thờ họ Dương gắn liền với một cái tên nổi tiếng trong vùng là Vườn lan Bình Thủy. Hậu duệ đời thứ năm của ngôi nhà là ông Dương Văn Ngôn có thú chơi hoa kiểng, xương rồng. Vào thập niên 60, ông đã sưu tầm được nhiều giống lan quý rồi tổ chức các hội chơi lan, kết hợp mở tuyến du lịch thăm quan ngôi nhà vào những năm 1980 để những người cùng sở thích có dịp trao đổi kinh nghiệm, cùng thưởng thức thú chơi hoa. Nhiều cuộc đàm luận thơ của các thi nhân xứ sở Cầm Thi đã diễn tại đây nên nơi này còn được gọi là Tao Đàn Năm Ngôn hay Tao đàn ông Ngôn.
Trước sân nhà hiện vẫn giữ được hòn non bộ, hoa lan và nhiều loại hoa cây cảnh khác bốn mùa nở hoa. Bên phải phía trước ngôi nhà còn có cây xương rồng Mexico Kim lăng trụ cao tới 10m, 40 năm tuổi. Vào năm 2005 cây ra hoa lần đầu tiên, ai từng chứng kiến đều nói trông rất lạ mắt.
Chiếc bồn sứ bồn rửa tay bằng men sứ trắng, hoa xanh
đặt trên bục gỗ của Pháp thế kỷ 18.
đặt trên bục gỗ của Pháp thế kỷ 18.
Thăm nhà cổ, ăn cỗ cổ
Trải qua 140 năm tồn tại với thời gian, mưa nắng, nhà thờ dòng họ Dương hiện nay xuống cấp khá nhiều, một số ngói bị dột, thấm nước, tường nứt, hệ thống cột kèo bị mối mọt đục khoét... nhưng thật may, năm 2009, ngôi nhà được công nhận là di tích quốc gia, chính vì vậy đã được đưa và kế hoạch dự án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo...
Người quản lý ngôi nhà cũng là người con thứ hai của gia tộc họ Dương là ông Dương Minh Hiển cho biết hiện nay, ngôi nhà mới được đưa vào sử dụng một phần hai diện tích cho khách thăm quan. Ông Hiển cho biết trong thời gian tới sẽ phục dựng lại nguyên trạng chỗ sinh hoạt chính, chỗ tiếp khách, nơi thờ tự và chỗ ngủ của ông bà Hội đồng như trước đây.
Điều ông Hiển trăn trở là ngôi nhà cổ Bình Thủy nói riêng và du lịch Cần Thơ đang thiếu những sản phẩm du lịch truyền thống. Vì vậy, trong thời gian tới, gia đình ông sẽ kết hợp với Công ty du lịch Cần Thơ mở rộng thêm 8.000 mét đất của gia đình và mở một khu ẩm thực đồng thời phục chế những món ăn cổ thất truyền từ thế kỷ 17, 18 để làm thành một mâm cỗ cổ: thịt kho dưa giá với loại giá phải ủ một tuần mới cho cây; món tôm kho tàu, cù lao, chả cua..., thức uống là loại rượu đặc sản chiết xuất từ quả vú bò, tráng miệng sẽ là món bánh đúc lá dứa chấm đường thốt nốt…
Ông Hiển tự tin và hy vọng mỗi khi du khách mỗi khi ghé thăm ngôi nhà cổ sẽ được thưởng thức những món ăn cổ để được sống trọn vẹn trong một không gian cổ truyền của dân tộc cổ.
Nguồn: Báo Nhân Dân