Chợ phiên Bắc Hà (Lào Cài) - nét văn hóa vùng cao
Chợ Bắc Hà “cây nhà lá vườn”
Được biết, chợ Bắc Hà họp rất sớm nên tôi đã đến Bắc Hà vào chiều hôm trước (chiều thứ Bảy) để có thể thấy được cảnh nhộn nhịp của các cô gái Mông xuống chợ với những bộ váy thật đẹp và lộng lẫy như bông hoa rừng khoe sắc trước ban mai. Những người có gia đình thì địu trên lưng những sản phẩm làm ra, đem xuống chợ trao đổi. Những nhịp bước gấp gáp, tiếng vó ngựa, tiếng trò chuyện xen lẫn tiếng khèn… đã tạo nên bản nhạc sinh động của núi rừng.
Chưa đến 8 giờ chợ đã kín chật cả người. Chợ chủ yếu bán những sản phẩm do chính người dân bản địa làm ra, nên thường có giá rất rẻ. Thực phẩm nơi đây chủ yếu theo mùa. Đầu mùa hè thì có rất nhiều mận Tam hoa, giữa mùa hè là các sản phẩm như: bí, ngô, ớt, lê… được bán nhiều.
Chợ Bắc Hà không chỉ bán rau, cỏ mà người ta còn biết đến chợ trâu, chợ ngựa. Trâu trưởng thành có giá trung bình từ 14 đến 16 triệu đồng một con hoặc có thể cao hơn. Anh Vàng Seo Dín nói: “Khoảng 8 giờ tôi đến đây, trâu mình phải được 15 triệu mới bán.” Còn ngựa thì rẻ hơn, chỉ cần từ 5 đến 7 triệu đồng là có thể mua được một con ngựa tốt rồi. Nhiều người hay trêu, chỉ cần bán một con trâu là đã có thể mua được một chiếc xe máy. Nhưng người dân không mua xe mà họ lại hay cưỡi ngựa. Bởi ngựa có thể đi đường rừng, có thể lên nương thồ ngô… làm những việc mà xe máy không làm được.
Đến chợ, người dân không chỉ để bán mà còn mua những gì họ chưa có. Điều đó đã tạo ra nền văn hóa trao đổi hết sức dân dã. Đi vào sâu trong chợ, những bộ váy áo của người Mông được bày bán rất đẹp mắt, khiến cho nhiều du khách đã đến không thể không mua về làm kỷ niệm.
Nét văn hóa ẩm thực
Nếu bạn đã một lần đặt chân đến đây, món đầu tiên không thể bỏ qua đó là thắng cố. Bạn chỉ cần có 30 nghìn đồng là có ngay một bát thắng cố nóng hổi, khói nghi ngút với mùi hương nồng nàn từ gia vị tỏa ra…
Gia vị của món này rất đơn giản, chủ yếu là những thứ sẵn có của đồng bào: lá chanh, thảo quả, gừng…
Nói đến thắng cố là phải có rượu ngô Bắc Hà. Đây là một loại rượu được chính người dân Bản Phố nấu. Để có được thứ rượu ngon, người nấu phải có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, từ chọn ngô cho đến pha men, kỹ thuật ủ để lên men như thế nào, để khi rót rượu vào bát, mùi thơm tỏa ra, đứng xa hàng mét vẫn thấy, rượu ở trong bát rồi mà bọt vẫn không tan, đấy mới thực sự là rượu Bắc Hà.
Người dân đến đây không chỉ để mua bán trao đổi, mà còn là dịp để gặp bạn bè, người thân để mời nhau chén rượu. Họ cứ nói, cứ uống như muốn nói hết những gì tận đáy lòng mình cho người kia nghe. Khi người phụ nữ mua bán xong cũng là lúc xế chiều. Đó cũng là lúc người chồng chia sẻ với bạn những gì cần chia sẻ và chai rượu cũng chỉ còn cái vỏ mà thôi. Người chồng lại vắt vẻo trên lưng ngựa để người vợ dắt về nhà.
Nếu đã một lần đến Bắc Hà, du khách sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị hơn thế...