Những dòng thác xinh đẹp của thành phồ Đà Lạt
Thác Cam Ly
Thác Cam Ly nằm trên dòng suối Cẩm Lệ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 2km về phía tây.
Dưới chân thác là một vườn hoa nhỏ. Phong cảnh chung quanh thác không còn hoang vu như ngày xưa. Trong khu vực tháp có lăng Nguyễn Hữu Hào với nhiều kiến trúc độc đáo. Người Lạch gọi thác Cam Ly là Liêng Tô Sra, về sau đổi thành thác Cam Ly mang tên đoạn suối chảy từ Liêng Tô Sra đến sông Đạ Đờng.
Thác Đatanla
Đatanla hay Datanla là một ngọn thác lớn nằm trong khu du lịch Đatanla – cách thác Prenn 2km và thành phố Đà Lạt 5km và là điểm tham quan, phiêu lưu mạo hiểm. Đatanla hay Đatania do các từ KHo ghép lại: "Đà-Tàm-Nha" có nghĩa là "nước dưới lá" - liên hệ đến cuộc chiến tranh Chăm- Lạch - Chil thế kỷ XV - XVII.
Thác Datanla có lượng nước dồi dào do thượng nguồn là nguồn nước ổn định. Thác Datanla không ồn ào do chảy qua nhiều thềm đá. Thác đổ từ ghềnh cao 20m, nước suối phần dưới tạo thành khu vực nước rất trong nên gọi là Suối Tiên, phần sâu hun hút phía trên có một vực sâu gọi là Vực Tử Thần. Theo truyền thuyết, do thác có vực sâu nằm lọt thỏm giữa một vùng đồi núi nên đã từng là nơi lánh nạn của một cánh quân của người dân tộc bản địa trong các cuộc chiến tranh với người Chăm từ cách đây hàng trăm năm trở về trước. Nhờ có ngọn thác này nên một cánh quân đã trụ lại và bảo toàn được lực lượng.
Thác Prenn
Thác Prenn là một thác nước đẹp thuộc tỉnh Lâm Đồng. Thác mang một vẻ êm dịu, duyên dáng như một màn nước đổ nhè nhẹ từ độ cao 10 m xuống một hồ nước nhỏ, xung quanh đầy hoa lá và một đồi thông vi vu. Thác Prenn nằm ở chân đèo Prenn cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10 km, nằm ven quốc lộ 20.
Cái tên Prenn gợi nhớ đến một thời xa xăm vào khoảng thế kỷ XV – XVII, khi vùng núi rừng nơi đây còn là ranh giới chiến trường của các cuộc chiến tranh xâm lăng và bảo vệ lãnh thổ. Prenn gốc tiếng Chăm có nghĩa là "vùng xâm chiếm", còn các tộc dân bản địa như Lat, Chil, Sré lại gọi kẻ xâm lăng là "người Prenn".
Để vào thác, du khách phải qua một chiếc cầu ngắn bắc ngang dòng suối đã được kè chắn bằng bêtông nhằm tránh bị xói lở. Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý; Du khách sẽ nhìn thấy một bức màn nước buông mình từ độ cao gần 10m xuống thung lũng nhỏ đã được chỉnh sửa thành vườn hoa mà từ đây có nhiều lối đẹp đưa chân lên các đồi thông thoáng đãng chung quanh.
Du khách có thể men theo các con đường dẫn đến vườn thú, vườn lan hay thư thả dạo gót hoa viên ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc, những căn chòi xinh xinh trên ngọn cây hoặc đung đưa cùng cầu treo bắc ngang dòng suối nhỏ. Ở một góc độ khác, vườn đá Thái Dương với sự sắp xếp đầy ngẫu hứng tạo được một bất ngờ thú vị. Đặc biệt với hệ thống cáp treo, du khách có thể ngang qua dòng thác trong cảm giác phiêu bồng, tưởng như đang đi vào cõi thần tiên...
Thác Pongour
Thác Pongour hay còn gọi là thác Bảy tầng là một ngọn thác tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, nằm cách Đà Lạt 50 km về hướng Nam. Thác đổ từ độ cao gần 40 mét, trải rộng hơn 100 mét, qua hệ thống đá bậc thang bảy tầng. Bao quanh là khu rừng nguyên sinh có diện tích khoảng 2,5 ha với thảm thực vật đa dạng, phong phú. Pongour là tên do người Pháp phiên âm từ tiếng bản địa K’Ho: Pon-gou có nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng. Theo một số tài liệu địa chất của người Pháp, vùng đất này có nhiều kaolin.
Pongour là thác nước duy nhất có ngày hội. Hằng năm cứ vào dịp rằm tháng giêng âm lịch, từ khắp nơi các nam thanh nữ tú không phân biệt dân tộc đổ về đây trẩy hội mùa Xuân. Đây là dịp mà mọi người sống cởi mở, chân tình, tự do tìm hiểu và yêu mến nhau.