Chuyện về “tour đặc biệt” của Công ty Du lịch ANZ đưa GS Ngô Bảo Châu đi nhận giải
Thành công của GS Ngô Bảo Châu hôm nay đã thổi vào tâm hồn thế hệ trẻ người Việt Nam niềm tin trí tuệ và nghị lực người Việt. Đó là nền tảng thôi thúc các em học sinh ngồi trên ghế nhà trường luôn luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên. Từ nay, người Việt Nam dù có đi đâu trên trái đất này sẽ chẳng phải ngại ngần gì mà nói rằng, chúng ta hoàn toàn có thể sánh ngang hàng với các nước trên thế giới về khoa học. Chỉ cần chúng ta chịu cố gắng, miệt mài học tập thì vinh quang sẽ đến với những người xứng đáng. Trí tuệ người Việt Nam có thể làm được những việc mà những công dân các nước có nền công nghiệp tiên tiến khác làm được.
Một GS giản dị
Thành quả mà GS Châu đạt được đã nói lên trí tuệ mẫn tiệp của một con người vĩ đại làm rạng danh non song đất nước. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa GS là một người quá cao vời, có lối sống và cách làm việc xa rời những người bình thường. Mặc dù đã đạt tới đỉnh cao trong khoa học nhưng, GS vẫn luôn là người chừng mực, điềm đạm dễ gần, luôn tạo niềm tin, ấn tượng, thiện cảm tốt cho những ai đã từng gặp gỡ và làm việc với mình. GS Châu cùng gia đình đi sang Ấn Độ qua một tour du lịch của công ty du lịch ANZ Travel. Trên chuyến bay sang Ấn Độ để nhân giải thưởng, đoàn của GS Châu gồm 17 người bao gồm: GS Châu và những người thân trong gia đình. Chương trình làm việc tại Ấn Độ của GS Châu kéo dài 9 ngày/8 đêm. Bắt đầu từ 13/8 đến ngày 21/8.
Theo hướng dẫn viên Trần Đức Tuấn (Công ty ANZ Travel), một trong những người trực tiếp đưa Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng gia đình sang Ấn Độ để nhận giải thưởng cao quý này, ngoài một nhà khoa học mẫu mực, GS Châu còn là một người hết sức gần gũi sống chan hoà với mọi người và là một người con hiếu thảo, một người cha rất mực yêu thương các con…
GS Ngô Bảo Châu tại Đại hội Toán học Thế giới 2010 ở Ấn Độ
Mặc dù là một hướng dẫn viên chuyên nghiệp dạn dày kinh nghiệm từng đưa khách sang Ấn Độ nhiều lần nhưng, với Tuấn, đó là điều rất bất ngờ trong suốt cuộc đời hướng dẫn của anh. Tuấn kể; rất "ngưỡng mộ" tài năng của giáo sư Ngô Bảo Châu nhưng tất cả những thông tin về giáo sư Châu ấy tôi chỉ được biết qua báo chí, truyền hình. Và rồi cơ hội cùng đi, cùng trò chuyện với GS Châu tới dự Đại hội Liên đoàn Toán học thế giới (ICM 2010).
Tôi đã từng đưa khách thăm quan Ấn Độ, một mảnh đất xinh đẹp và rộng lớn với nhiều cảnh đẹp như Pháo đài đỏ (Red Fort), tượng đài tưởng niệm chiến tranh India Gate, nhà bảo tàng Gandhi, Cung điện Hawa Mahal (Lâu đài của gió). Nhưng lần này lại trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt: được làm HDV cho giáo sư Châu sang Ấn Độ nhận Huy chương “Fields”- giải thưởng được mệnh danh là giải nobel toán học của thế giới.
9 ngày tiếp xúc với GS, Tuấn nhận thấy rằng, GS Châu không chỉ là một nhà khoa học đơn thuần mà anh còn có kiến thức văn hoá, du lịch rất sâu và rộng. Anh Châu là người kín đáo, rất ít cười, anh ấy là người rất hiểu biết. Đặc biệt, anh là người khá cẩn thận. Mặc dù đã có thời gian sống và làm việc tại nước ngoài khá lâu, nhưng trước chuyến đi này, GS Châu đã tìm hiểu khá kỹ những điểm mà anh sẽ đến trong dịp trao giải …tại Ấn Độ.
Tuấn bảo; tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh GS Châu cưng nựng cô con gái út trong những lúc theo đoàn đi tham quan. Anh Châu đã cõng rồi bế cô bé suốt cả chặng đường dài, khi cô bé kêu mệt.
Đoàn của giáo sư Châu lần này gồm 17 người, tới ngày 18 thì mẹ vợ GS từ Malaysia bay sang cùng đoàn. bắt đầu rời Hà Nội từ ngày 13/8 đi Newdelhi quá độ qua Bangkok qua chuyến bay TG 561(10:35-12:25 // TG 315 (17:55-20h55). Tới 21h máy bay hạ cánh sân bay Indira Ganhdi International. Tối hôm đó, gia đình GS nghỉ đêm tại khách sạn sạn 3sao ở Delhi.
Trước ngày dự Đại hội Toán học thế giới tại Ấn Độ, GS Châu và gia đình đã có chuyến thăm quan thành phố New Delhi qua các địa danh như: Qutub Minar – tòa tháp bằng đá cao nhất Ấn Độ được xây dựng năm 1192 ghi công chiến thắng Ghori, India Gate – Đài tưởng niệm 90,000 anh hùng liệt sĩ quốc gia hy sinh trong Thế chiến I, Dinh Tổng thống, tòa nhà quốc hội…
Truớc khi đi làm hướng dẫn viên cho đoàn. Tuấn được lãnh đạo công ty du lịch ANZ Travel luôn căn dặn: Đây không phải là một tour du lịch thông thường mà đây là công việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chuyến đi này nó ảnh hưởng đến sự nghiệp của GS cũng như của đất nước Việt Nam ta cho nên đây là một tour du lịch… đặc biệt. Nhưng, cũng may mình đã từng nhiều lần dẫn khách sang Ấn Độ cũng tích luỹ được chút ít kinh nghiệm nên yên tâm phần nào.
Mặc dù vậy, Tuấn vẫn nhận thức rõ đây là một trọng trách lớn của mình. Đoàn 17 người trong đó bao gồm cả người già và trẻ em nên ngoài việc chuẩn bị các kỹ năng cần thiết của người hướng dẫn, Tuấn còn chuẩn bị mang theo thêm cả những thức ăn của người Việt. Tuấn cho biết; anh phải chuẩn bị muối vừng, lạc rang vì ẩm thực bên Ấn có món Cari Ấn rất khó ăn. Món Cari của Ấn Độ giống như dạng đồ ăn xốp được trộn vào cơm khi ăn. Hơn nữa, khẩu vị của nó mặn, cay lại không có rau nên rất khó ăn.
GS Ngô Bảo Châu chụp ảnh lưu niệm với Trần Đức Tuấn tại Ấn Độ trong dịp đi nhận giải thường "Nobel Toán học"
Chuyến đi thành kỷ niệm
Tuấn kể; tôi cứ nghĩ là Giáo sư, được nhiều người ngưỡng mộ, chắc tiếp xúc với GS Châu khó lắm. Nhưng không phải. Chín ngày dẫn đoàn, tiếp xúc với GS tôi thấy anh rất cởi mở, và lịch sự trong giao tiếp. Khoảng cách giữa tôi và giáo sư hầu như bị phá vỡ. Những cuộc trò chuyện của tôi với GS giống như những cuộc trò chuyện của người anh và người em.
Tuấn được may mắn ở cùng phòng với GS Cẩn - bố của GS Châu. Trong những lúc rảnh rỗi hai bác cháu thường tâm sự với nhau về chuyện gia đình và cả chuyện học hành của GS Châu. Ngày còn nhỏ, chuyện học hành của GS Châu không hề bị gượng ép. Ngày nhỏ, GS Châu có quyền lựa chọn những môn học theo sở thích của mình.
Trong sự nghiệp học hành của GS Châu ngày nhỏ, ông Cẩn là người tạo sự hứng thú niềm đam mê cho con. Ông thường xuyên khuyên cậu con trai nên đi ngủ sớm sau những giờ học căng thẳng.
Đến ngày trọng đại (ngày 19/8/2010), GS Châu được vinh dự nhận giải thưởng Fields do đích thân Tổng thống Ấn Độ- bà Pratibha Patil trao tại Đại hội Liên đoàn Toán học thế giới (ICM 2010) tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hyderabad, thành phố Hyderabad (bang Andhra Pradesh, Ấn Độ). Hội nghị kéo dài tới 1h30 phút chiều. Mọi người đi ra trong niềm vui khôn tả. Tôi không được trực tiếp tham dự, nhưng khi nghe tin, tôi như vỡ oà trong niềm vui ấy. Như vậy, niềm mong mỏi, khát khao của hàng triệu người Việt Nam đã trở thành sự thật. Đây là niềm vinh dự rất lớn đối với Việt Nam vì lần đầu tiên có một người mang quốc tịch Việt Nam giành giải thưởng toán học danh giá nhất thế giới.
Ngay buổi tối hôm ấy, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ mở tiệc chiêu đãi đoàn nhân sự kiện này. Hôm đó cùng với đại diện của Đại sứ quán, Viện Toán học Việt Nam, các lưu học sinh Việt Nam tại Ấn Độ, bữa tiệc còn đón vợ chồng Giáo sư người Pháp là người thầy của GS Châu tại Pháp và sự tham dự của cả Viện trưởng Viện toán học của Ấn Độ.
GS Châu chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu trong Đại hội Toán học Thế giới 2010
Sau hôm nhận giải, mọi người trong đoàn ai cũng vui. Họ vui vì lần đầu tiên Việt Nam có một nhà khoa học nhận giải Nobel toán học. “Tôi còn nhớ rất rõ trong không khí mọi người đang rất vui tươi thì GS Cẩn bỗng thấy mệt. Chứng cao huyết áp của giáo sư Cẩn cộng với sự kiện cậu con trai ông được giải, khiến giáo sư Cẩn hơi mệt. Có lẽ ông quá xúc động trước sự kiện lớn lao của cậu con trai mình.” - Tuấn chia sẻ.
Tour “đặc biệt” đó kết thúc. Tuấn bảo; sau khi đưa mọi người về, mình mới cảm thấy nhẹ nhàng vì mình đã hoàn thành xong được một việc trọng đại. Đó mãi mãi sẽ là những tháng ngày không thể nào quên về cuộc đời làm hướng dẫn viên du lịch của Tuấn. Được làm hướng dẫn viên du lịch cho GS Châu đi nhận giải thưởng, nó còn là kỷ niệm hãnh diện để Tuấn kể với bạn bè sau khi về nước.
Những ngày Tuấn được ở gần GS Châu tuy không dài nhưng, những gì Tuấn học được từ đức tính, trí tuệ trong cuộc sống đối nhân xử thế cuả GS mãi mãi sẽ là bài học lớn trong cuộc đời của Tuấn.