Non nước Việt Nam

Độc đáo tiếng nói của người Tày ở Nghĩa Đô (Lào Cai)

Cập nhật: 16/09/2010 17:12:11
Số lần đọc: 3300
Cách thị trấn Phố Ràng 25 km về phía Đông Bắc theo Quốc lộ 279, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) như một lòng chảo nằm giữa vùng rừng núi trập trùng, đó là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Tày từ bao đời nay.
 

Trải qua thời gian, người Tày vùng Nghĩa Đô đã tạo lập cuộc sống ở vùng đất này và sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần, tạo nên yếu tố phát triển bền vững. Một trong những yếu tố văn hóa độc đáo của người Tày vùng Nghĩa Đô đó chính là tiếng nói.

Ông Ma Thanh Sợi - nghệ nhân văn hóa dân gian, người dày công sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian Nghĩa Đô được biết: Để có được nét riêng trong tiếng nói, thì người Tày vùng Nghĩa Đô đã không ngừng dày công sáng tạo chữ viết và tiếng nói trên cơ sở tiếng Tày bản thể. Trong tiếng nói của dân tộc đều do phần từ vựng (từ ngữ), âm vựng (ngữ âm) tạo thành. Dân tộc Tày sống rải rác ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tiếng nói của người Tày về từ vựng hầu hết giống và gần giống nhau. Còn ngữ âm (âm vựng) khi phát ra lại khác nhau, gắn liền với địa danh.

Nét độc đáo tiếng nói của người Tày Nghĩa Đô còn được biểu hiện ở chỗ, ngoài 24 chữ cái của tiếng Việt, còn có 4 âm tiết nữa, khi phát ra hoàn toàn khác, không nằm trong ngữ Việt, đó là các từ đầu tiếng gắn sát với chữ p, ph, b, m. Để thể hiện, đã có nhiều người từ năm 1950 đưa chữ y dài kèm ngay sau chữ ấy, rồi mới gắn các từ ghép thành tiếng định hình. Cách viết là: py, phy, by, my, gần nhóm chữ cái p, ph, b, m của tiếng Việt. Ví dụ: các từ pỵa (dao), pya (cá), phya (mắt), phýăc (rau), byóoc (hoa)... Một số âm tiết ghép theo sau chữ â, e, i phải gắn chữ g và chữ ư như âư, ing, eng (trong tiếng Việt không có). Ví dụ: Pây dâư (đi đâu), tụa đâư (ai đấy), anh ting, một đong (kiến đỏ), xu xeng (quai xanh).

Tất cả số lượng từ có các chữ ấy dùng khá nhiều trong giao tiếp, nhất là từ ghép âư. Trong 6 thanh (vần) của tiếng Việt, tiếng Tày Nghĩa Đô còn có một thanh "lửng" giữa thanh bằng (0) và thanh sắc. Khi nói quá hơn thanh bằng, lại chưa đến thanh sắc. Dấu chỉ thanh lửng chưa có, chưa ai đặt dấu gì cho phù hợp, tạm đặt ký hiệu dấu huyền, dấu sắc chắn ngang, lại đến dấu huyền nối liền vào, đó là dấu gần giống với dấu ngã, nhưng khác hẳn với ngã, khi đưa vào máy vi tính còn có dấu xử lý cho thanh lửng này. Dùng dấu này, cũng đúng với từ, âm này khi nói ra, vì lửng giữa thanh bằng và thanh sắc. Những từ dùng đến thanh lửng này có khi chiếm tới hơn chục phần trăm lượng từ nói hàng ngày, nhất là ở dạng dân ca, tục ngữ, hát yếu, hát then. Do vậy, những câu thơ Tày trong quyển sưu tầm thường xuyên có dấu như vậy, không phải tác giả sai dấu.

Có một số âm lắc, khi nói ra khác với các phụ âm ghép sau của tiếng Việt. Phụ âm này chỉ có tiếng Tày của vùng này mới có (tiếng Tày nơi khác như tiếng Việt). Lượng từ dùng phụ âm này để chỉ tên người, hiện vật, sự việc, địa danh... cũng chiếm tới 5% lượng từ dùng hàng ngày. Sau các phụ âm ghép có lẽ phải dùng đến chữ s để thể hiện. Khi đọc có các âm ghép đằng sau cùng chữ s đọc gọn, sắc nét, dứt khoát. Chính một số chữ, âm vần, thanh lửng, phụ âm lắc như đã nêu ở trên nên tiếng Tày Nghĩa Đô khác tiếng Tày các nơi, khó có nơi nào nói nhại tiếng Tày Nghĩa Đô được. Đặc biệt là thanh lửng ở các câu thơ Tày, dân ca, nếu không dùng ký hiệu riêng để thể hiện mà dùng dấu sắc, dẫu ngã thì nội dung thơ sai hoàn toàn với ý tác giả.

Trong tiếng Tày vùng Nghĩa Đô còn có một số tiếng láy chệch sang âm khác dùng để tập cho trẻ con học nói, mang tính chất trìu mến, yêu thương. Khi tiếp xúc với trẻ, người lớn nói ra, người ta hiểu ngay đó là tiếng dạy trẻ. Những từ này, khi tiếp xúc với người lớn mà không có trẻ con, ai vô tình phát ra là có chuyện ngay, người ta cho là khinh bỉ, nhạo báng, coi mình như trẻ con. Có nhiều trường hợp đánh nhau, làm mất tình nghĩa bà con, anh em vì nói đùa hoặc vô tình phát ra.

Trong giao tiếp ở tiếng Tày Nghĩa Đô hay dùng một số từ đồng âm khác nghĩa, điển hình nhất là hai từ không và có. Ví dụ: từ mí là có, nhưng dùng từ mí kèm theo sau một từ mí nữa thành cụm từ mí mí là không có, mí lăn là không thấy, mí chắc là không biết, mí đẩy là không được... Từ mí trước trở thành không, chỉ dùng mỗi từ mí cuối câu mới là có...

 Trải qua quá trình lâu dài trong cuộc mưu sinh, người Tày vùng Nghĩa Đô đã tạo ra bản sắc riêng trong kho tàng văn hóa độc đáo của mình. Từ đời này sang đời khác, cùng với việc truyền lại ngọn lửa, hạt giống, họ còn truyền lại cho con, cháu tiếng nói của dân tộc mình. Đó là giá trị văn hóa vô giá của người Tày nơi đây.

Nguồn: website báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT