Non nước Việt Nam

Lễ cấp sắc - nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao (Bắc Giang)

Cập nhật: 17/09/2010 14:09:46
Số lần đọc: 3185
Cấp sắc là thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao. Lễ cấp sắc cũng tương tự như lễ thành đinh của một số dân tộc khác. Đối với người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là trưởng thành. Chưa được cấp sắc khi chết dù cao tuổi dân bản vẫn coi như một đứa trẻ.

Thời gian để hành lễ cấp sắc không có quy định cụ thể, cứng nhắc mà tuỳ vào mỗi gia đình. Thông thường lễ cấp sắc được tổ chức vào khoảng tháng Mười năm trước đến tháng Ba Âm lịch năm sau (Vì đây là khoảng thời gian gặt hái đã xong, thóc lúa đầy nhà, lợn béo đầy chuồng, rau xanh đầy nương bãi- suối khe). Ngày, tháng cấp sắc được chọn rất cẩn thận. Người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ. Buổi lễ cấp sắc có thể là thủ tục cho một hoặc vài người, nhưng phải là số lẻ. Người đàn ông có vợ thường là những người được cấp sắc, tức là để được coi là người đàn ông trưởng thành bắt buộc phải qua lễ này. Một số địa phương trước khi hành lễ, người được cấp sắc phải kiêng khem một số thủ tục như: không được nói tục, chửi bậy, không được quan hệ vợ chồng, không được để ý phụ nữ. Thời gian cấp sắc 3 đèn kéo dài từ 1-3 ngày, cấp sắc 7 đèn kéo dài 3-5 ngày.

Khi hành lễ, ông mo và người được cấp sắc bắt buộc phải mang trang phục lễ cấp sắc của dân tộc mình. Người được cấp sắc được hoá trang khác thường, ngoài trang phục, thầy mo còn cho người được cấp sắc đeo xâu tiền vào cổ có viền giấy mầu ngũ sắc với ý tưởng cầu xin đấng Bàn Vương ban phát cho những điều tốt lành. Trong cuộc hành lễ, tất cả mọi người đều phải tuân thủ theo chỉ dẫn của thầy mo.

Việc đầu tiên của lễ cấp sắc là gia chủ phải làm cơm, rượu cúng báo tổ tiên về việc chuẩn bị và hẹn thời điểm tiến hành lễ cấp sắc. Sau đó phải nuôi một cặp lợn (1 đực - 1 cái) chuẩn bị trong lễ cấp sắc. Ngoài ra còn chuẩn bị lợn, gà, rượu, gạo.. để làm cỗ và vài trăm nghìn tiền mặt để bồi dưỡng thầy. Thường một lễ cấp sắc 3 đèn cần 3 thầy, 7 đèn 7 thầy… 

Các nghi lễ chính trong lễ cấp sắc gồm: Lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế tổ tiên. Các thầy cúng phải tẩy uế xong mới đánh trống mời tổ tiên về dự. Sau đó thầy cúng làm lễ khai đàn nhằm báo cho tổ tiên biết lý do của buổi lễ. Lễ thụ đèn, người được cấp sắc phải ăn mặc chỉnh tề ngồi  trước bàn thờ, hai tay giữ một cây tre, nứa, ngang vai có đục và xuyên một thanh ngang để thầy đốt đèn, đặt nến làm lễ. Đặc biệt trong lễ cấp sắc là cấp đạo sắc cho người thụ lễ với 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Tại đạo sắc này tên âm của người thụ lễ được ghi luôn để khi chết về với tổ tiên. Quan trọng nhất trong nghi lễ  là cấp pháp danh cho người thụ lễ. Người thụ lễ lấy vạt áo để hứng gạo từ thầy cả và bố đẻ. Sau đó các thầy sẽ dạy cho người thụ lễ một số điệu múa. Kết thúc nghi lễ, các thầy múa để dâng rượu, lễ vật tạ ơn thần linh.

Với người Dao Thanh Y, phần cuối buổi lễ, khi mọi thủ tục cúng bái đã đầy đủ, buổi lễ được kết thúc bằng một thủ tục rất vui và chứa đựng yếu tố tâm linh đó là tục gói chăn. Người cấp sắc được khiêng ngồi xổm trên một cái bàn hớ hênh, chông chênh đặt trước khu vực hành lễ chừng 15 phút thì thầy mo,  thầy cúng đẩy người được cấp sắc ngã vào chiếc chăn bông trải sẵn rồi gói kín lại. Theo quan niệm của người Dao khi nằm trong chăn gói kín mới thực sự giao hoà âm dương, trời đất; giữa thiên- địa- nhân; giữa tổ tiên với hậu duệ… và cũng chính là lúc Bàn Vương nhập về nhận diện và chấp nhận cứu giúp người cấp sắc mọi điều tốt lành. Sau chừng vài phút, thầy mo bước tới mở chăn ra. Từ đây chàng trai thu lễ được coi như người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT