Non nước Việt Nam

Ai làm nên núi Bà Đen - Tây Ninh?

Cập nhật: 19/05/2023 14:34:12
Số lần đọc: 715
Vẫn còn một huyền thoại khác ở núi Bà, tỉnh Tây Ninh ít người biết hơn là giải thích về sự xuất hiện của núi Bà từ thuở “khai thiên lập địa”. Dĩ nhiên, do vậy mà các truyền thuyết này có gốc tích xa xưa hơn.


Núi Bà (tức núi Voi).

Những huyền thoại gần thì chúng ta đã biết. Bởi nó đã được ghi lại trong các sách sử xưa nay về núi Bà Đen. Như trong sách điền dã Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh, hay trong sách Di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Đấy là các truyện Nàng Đênh hay truyện về Lý Thị Thiên Hương- được triều Nguyễn phong thần là Linh Sơn thánh mẫu. Một vài tư liệu cho rằng Bà (Linh Sơn thánh mẫu) đã được sắc phong từ triều vua Gia Long. Đến thời vua Bảo Đại năm thứ 10 (1935) thì được sắc phong lại. Tờ sắc phong đầu tiên (nếu có) không còn.

Nhưng theo tờ sắc phong năm 1935 thì bà được phong làm “Dực Bảo Trung Hưng Long phù chi thần”. Và ngay cả tờ sắc này cũng không còn, do bị mất hoặc cháy trong những trận quân Pháp tấn công chiếm núi vào năm 1946.

Những huyền thoại vừa kể cũng chỉ là chuyện về các nhân vật gắn với các thần tích được lưu truyền. Bối cảnh lịch sử của chuyện khá gần, cách ngày nay khoảng từ 200-300 năm. Như truyền thuyết về bà Lý Thị Thiên Hương là vào thời kỳ cuộc chiến giữa quân đội Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh cuối thế kỷ 19. Đấy là vì truyện có nhân vật Lê Sĩ Triệt, trong đội quân của Võ Tánh, một bộ tướng dưới quyền Nguyễn Ánh… Tóm lại là các huyền thoại có từ sau khi đã có núi.

Vẫn còn một huyền thoại khác ở núi Bà, ít người biết hơn là giải thích về sự xuất hiện của núi Bà từ thuở “khai thiên lập địa”. Dĩ nhiên, do vậy mà các truyền thuyết này có gốc tích xa xưa hơn. Những câu chuyện này thường gắn với các tên gọi của núi Bà, đã từng xuất hiện trong lịch sử.

Đấy là các địa danh như núi Voi, núi Điện Bà, núi Đất hoặc núi Heo, núi Gà hay núi Phụng. Và liên quan đến núi Bà còn có những địa danh liên quan như núi Bà Rá ở Bình Phước, hay núi Tha La, núi Cậu ở Bình Dương.

Cách nay 32 năm, vào năm 1991, sau khi công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nguồn nước tưới, sinh hoạt cho Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận; Xí nghiệp Liên hiệp khai thác và Quản lý thuỷ nông Dầu Tiếng đã phối hợp NXB Lao động xuất bản cuốn sách nhỏ: “Hồ Dầu Tiếng”. Hai tác giả Nguyễn Minh Sang và Phan Khánh cũng đã sưu tập được từ dân gian các truyền thuyết liên quan đến núi Bà.

Theo đó: “thuở xa xưa, thần núi Tha La (nay là núi Cậu) và thần núi Bà Đen đã có một cuộc đọ tài, đến nỗi mặt đất phải nứt ra, tạo thành con sông Sài Gòn. Họ giao ước chỉ trong một đêm, hai người hai phía, ai làm nên ngọn núi cao nhất người ấy sẽ trở thành “bề trên”.

Thần núi Tha La sợ ngọn núi Bà cao hơn, đang đêm ngầm sai thần Gà sang bới sao cho rạng ngày ngọn núi đổ sập để được cuộc. Thần Bà Đen vốn là tiên cô thánh mẫu cũng không kém khôn ngoan. Ngài sai thần lợn (Heo) tìm cách triệt phá cho được ngọn núi của đối thủ.

Đôi chân gà dù thần thông biến hoá cũng chỉ đủ sức bới được một góc chân ngọn núi Bà. Khối đất u lại cũng chỉ là một ngọn đồi nhỏ nhoi bên cạnh khối hoa cương đồ sộ. Ngọn đồi đó ngày nay du khách vẫn còn thấy, nó mang tên núi Phụng.

Có thể sánh như một con gà nhặt thóc bên đụn rạ núi Bà thôi. Còn thần lợn, sau một đêm ra tay, hòn núi Cậu đổ sập xuống như một luống khoai khổng lồ dài thườn thượt. Thần Tha La thua cuộc nghiến răng, giẫm chân tức tối, lún xuống trên những tảng đá cát kết. Đến nay có người còn đếm được trên 5 vết chân khổng lồ thần thoại đó…”.

Không biết ông thần núi Tha La kể trên có liên quan gì đến ông khổng lồ từng để lại dấu chân trên núi Bà Đen? Đấy là ông khổng lồ từng đứng, đặt một chân ở núi Bà, chân kia ở núi Cậu, lấy một viên đá chọi con quạ mà viên đá mắc lại trên cây dầu ở Trại Bí (nay ở Tân Biên) nặng chừng 1 tấn. Huỳnh Minh cũng kể trong sách “Tây Ninh xưa”, là năm 1972 khi ông tới Tây Ninh vẫn còn thấy tảng đá ấy trên chạc ba cây dầu khoảng “3 người ôm không giáp”.

Thực hư câu chuyện ra sao, xin không bàn đến. Nhưng có một thực tế là đã có kỳ tích xuất hiện trên đất Tây Ninh vào thập niên 80 của thế kỷ 20. Kỳ tích này lại không do các vị thần, mà do chính con người Tây Ninh tạo dựng.

Đó là lòng hồ Dầu Tiếng- hồ thuỷ lợi lớn nhất miền Nam với dung tích hơn 1,5 tỷ m3 nước, trải ra thênh thang trên diện tích 270km2 của miền đất từng là chiến khu Dương Minh Châu lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Huyền thoại về núi Bà, núi Cậu kể trên cho thấy nguồn gốc những cái tên của núi Bà Đen. Đấy là núi Phụng, cao 419m, ở phía Bắc và núi Heo, cao 341m, ở phía Tây. Phụng, tên một loài chim huyền thoại của cõi tiên, có thể có cái tên đầu tiên là núi Gà. Sau, vì sự linh thiêng của núi cũng như những sự tích về bà Linh Sơn thánh mẫu mà đã được người tín ngưỡng đổi sang là núi Phụng.

Tháng 1.2022, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản cuốn sách “Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Đông” (Huỳnh Ngọc Linh dịch). Tác giả sách là J.C Baurac- bác sĩ thuộc địa hạng nhất. Ông từng dành ra nhiều năm để đi khảo sát dịch tễ ở khắp các tỉnh Nam kỳ trong những năm cuối thế kỷ 19.

Sách được xuất bản lần đầu năm 1899. Chương VII của sách là viết về hạt Tây Ninh, trong đó là một truyền thuyết về núi Bà, đã “được kể lại trong làng bởi những bậc thông thái nhất và nghiêm trang nhất huyện”.

Theo đó, chuyện xảy ra khi người Cao Miên còn chế độ mẫu hệ, phụ nữ buộc phải hỏi cưới đàn ông để kết hôn. Một thiếu nữ tên là Mé- Đen đã quyết vùng dậy để chấm dứt phong tục ấy.

Cô đề nghị một chàng trai tuấn tú nhất ra đấu tay đôi với mình, bằng việc lấy cát đắp lên ngọn núi. Qua 1 đêm, ai đắp xong trước thì người còn lại phải đưa ra lời cầu hôn. Tục lệ mới do kết quả của cuộc đấu này sẽ được cộng đồng công nhận.

Chàng thanh niên tin chắc vào bản thân, có ý coi thường cô gái bé nhỏ và yếu đuối. Vậy nên, anh bắt đầu bằng việc uống rượu và “dành gần hết đêm hát những khúc nhạc gợi tình”. Trong khi đó, Mé- Đen cặm cụi làm việc suốt đêm. Để khi trời mờ sáng đã thấy ngọn đèn lồng cháy sáng trên đỉnh núi cao.

Ngọn đèn ấy cũng là lời thông báo cho cộng đồng rằng Mé- Đen là người chiến thắng. Khi ấy, chàng trai: “trút thịnh nộ vào những chiếc giỏ vốn mang tới để thực hiện công trình và hung hãn ném tung toé đi mọi hướng.

Những nắm đất ấy đã trở thành những núi nhỏ; ngày nay còn nhìn thấy chúng dàn trải xa xa phía bến Cái Cùng… Còn núi do Mé- Đen dựng đã trở thành đỉnh nguy nga mà chúng ta đã nhắc tới và người An Nam còn giữ tên gọi của nó: núi Bà Đen”.

Truyền thuyết mà J.C Baurac chép được từ cuối thế kỷ 19 đã có sự lý giải đầy đủ hơn những cái tên xưa của núi Bà. Đấy là do chàng trai trẻ đã dùng đủ mọi cách để ngăn cản đối thủ. Thoạt tiên anh gửi một con voi trắng cao to đến phá.

Nhưng Bà Đen có trời giúp đã hoá phép biến voi thành khối núi đá xám mà người sau gọi là núi Voi, núi Tượng. Chàng trai lại mượn thần rừng “hai nghìn con lợn… lũ lợn cũng lập tức hoá đá” và biến thành ngọn núi Heo.

Lần sau cùng là dùng đàn gà hàng ngàn con để bươi mổ nhằm san bằng núi. Lũ gà cũng chịu chung số phận với voi và heo, biến thành các gò đống làm nên núi Gà, hay núi Phụng ngày nay.

Trần Vũ

Nguồn: Báo Tây Ninh - baotayninh.vn - Đăng ngày 17/05/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT