Hoạt động của ngành

An Giang ban hành Kế hoạch tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024

Cập nhật: 22/08/2024 13:50:15
Số lần đọc: 448
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã xây dựng Kế hoạch 2023/KH-SVHTTDL về việc tham dự Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận năm 2024.


Mục đích của Kế hoạch nhằm tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, tăng cường quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có sự thống nhất và hòa hợp giữa các dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh trật tự đối với đồng bào dân tộc Chăm trong tình hình mới và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra, góp phần củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế;

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm; đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa của cộng đồng người Chăm ở An Giang, phát triển du lịch địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội, cùng với cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ảnh minh họa - Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Ninh Thuận

Theo đó, ngày hội có chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước", dự kiến An Giang có 130 người tham gia gồm các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, BGĐ Sở và cán bộ quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thời gian tham dự chính thức các hoạt động của Ngày hội: Dự kiến từ ngày 27/9/2024 đến 29/9/2024 tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Nội dung hoạt động của ngày hội bao gồm các hoạt động văn hóa như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm với trích đoạn: Trình diễn lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm Islam tỉnh An Giang. Giới thiệu trích đoạn lễ hội dân gian: xây dựng trích đoạn lễ hội với thời lượng 20 phút giới thiệu một trong những nghi thức lễ cưới truyền thống tiêu biểu của dân tộc chăm Islam gồm: lễ rửa chân, lễ đưa rể, lễ cột chỉ tay. Phương thức dàn dựng tạo điểm nhấn nổi bật cho nét văn hóa của người Chăm An Giang. Tiết mục được đầu tư về trang phục diễn viên từ cô dâu chú rể, các sina, cha mẹ, người chủ 3 hôn,... đặc biệt là tái hiện chiếc buồng cưới rực rỡ trên sân khấu đưa khán giả đến một lễ cưới thật sự của người Chăm. Qua đó giới thiệu được văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Chăm An Giang. Có thuyết minh bằng tiếng Chăm và cả tiếng Việt

Liên hoan văn nghệ quần chúng và Trình diễn trang phục dân tộc Chăm: Liên hoan nghệ thuật quần chúng "Làng Chăm vào Hội" bao gồm: Chương trình dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm gồm 4 tiết mục với thời lượng từ 20 - 25 phút/chương trình; Trình trang phục truyền thống dân tộc Chăm: Đời thường - Lễ hội - Lễ cưới; Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương với chủ đề: Di sản văn hóa dân tộc Chăm tỉnh An Giang, Trưng bày một số hiện vật về hoạt động kinh tế, nghề thủ công truyền thống, trang phục, nhạc cụ, hình ảnh tiêu biểu về truyền thống lịch sử - văn hóa đồng bào Chăm tỉnh An Giang được gìn giữ và phát huy trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, phong tục tập quán, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống… và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang.

Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của Người Chăm Islam An Giang: (làng nghệ dệt Châu Phong) giới thiệu các thao tác, nguyên liệu, dụng cụ, quy trình thêu dệt thổ cẩm thủ công truyền thống của Người Chăm Islam An Giang. Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực truyền thống với chủ đề: "Ẩm thực Chăm An Giang - Hương vị vùng biên" sẽ trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực truyền thống đặc trưng dân tộc Chăm của địa phương (giới thiệu, thuyết minh quy trình chế biến, 5 sản phẩm hoàn thiện đảm bảo đặc trưng, thẩm mỹ và an toàn vệ sinh thực phẩm). Món ăn dự kiến giới thiệu: 03 món mặn, 03 món ngọt đặc trưng của người Chăm An Giang.

Hoạt động thể dục thể thao có các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian, gồm 05 môn thể thao: Bóng đá nam (Bóng đá 07 người); Bóng chuyền nam (Bóng chuyền da); Đẩy gậy nam, nữ (08 hạng cân nam và 07 hạng cân nữ); Kéo co (đội nam, đội nữ, đội nam nữ phối hợp); Việt dã (Nam 05km; Nữ 03km).

Hoạt động du lịch có Hội thảo về Du lịch với chủ đề "Phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch". Tổ chức lồng ghép trong không gian triển lãm văn hóa nội dung trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu của địa phương, các sản phẩm OCOP gắn với du lịch của địa phương. Tổ chức trình diễn, giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực đồng bào dân tộc Chăm An Giang trong những ngày diễn ra sự kiện đến với du khách tham gia sự kiện. Dự kiến 03 món ăn trình diễn gồm Lạp xưởng Tung Lò mò nướng, bánh Nhang Mũi, bánh Bò Chăm.

Đồng thời Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu các nội dung hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội phải thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm, phong phú về loại hình, sáng tạo, độc đáo về nội dung. Thông qua các hoạt động trong Ngày hội, phải giới thiệu và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Chăm An Giang với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; đồng thời giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nét văn hóa độc đáo, truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm ở An Giang, đồng thời quảng bá về du lịch của An Giang. Lực lượng tham gia là các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng và người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc Chăm. Chương trình tham dự đạt chất lượng, trên tinh thần tiết kiệm và đảm bảo theo đúng yêu cầu của BTC.

Nguồn: Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch -bvhttdl.gov.vn - Đăng ngày 22/08/2024

Cùng chuyên mục