Bến Tre: Bình Đại phát huy tiềm năng, giá trị du lịch di tích lịch sử văn hóa
Du khách đến tham quan tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa tại đình Long Thạnh (Bình Đại).
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Long Thạnh, xã Long Định là một trong những điểm nhấn về du lịch văn hóa lịch sử của địa phương, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích văn hóa cấp Quốc gia ngày 14/5/2017. Ngôi đình có hơn trăm tuổi nằm bên dòng sông Cửa Đại, với tổng diện tích 2.580m2, được xây dựng theo lối kiến trúc nghệ thuật chung 3 gian 2 chái kết cấu cột, kèo bằng gỗ, nền lát gạch tàu, mái lợp ngói âm dương và ngói vảy cá, vách gỗ, cửa gỗ.
Phó chủ tịch UBND xã Long Định Đỗ Minh Ngọc cho hay: Đình Long Thạnh có 6 sắc phong, được sắc phong 3 lần gồm: Hai sắc Đại Càn quốc gia Nam Hải và Bổn cảnh thành hoàng. Nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật gỗ có niên đại hàng trăm năm, rất có giá trị như: 4 cuốn thư, 2 cặp long trụ, 1 long đình, 10 hoành phi, 2 bộ lỗ bộ, 4 đôi liễn áp cột, 6 sắc phong, 6 hương án, 5 khánh thờ, 3 bao lam... Đặc biệt, các liễn áp cột, hoành phi, câu đối, khánh thờ, long trụ, long đình... được trang trí công phu, sống động và điêu khắc chạm nổi, chạm ẩn, chạm lộng, chạm hai lớp, đục, chạy chỉ, tiện... ở một trình độ kỹ thuật cao của nghề chạm khắc gỗ Việt Nam đầu thế kỷ XX, là một trong những điểm đến ý nghĩa đối với du khách gần xa khi đến du lịch Bình Đại theo tuyến.
Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 3.000 lượt du khách nhiều nơi đến tham quan tại đình, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ Văn hóa xã phối hợp Ban khánh tiết của đình thực hiện thuyết minh khi du khách đến tham quan. Du khách Nguyễn Thị Ngọc Thuyền bộc bạch: “Tham quan di tích đình Long Thạnh tôi càng thấm thía hơn các giá trị lịch sử văn hóa của thế hệ trước, tôi sẽ tuyên truyền, vận động và mong các thế hệ trẻ luôn luôn tìm hiểu sâu hơn những di tích lịch sử và đến thăm mảnh đất Bình Đại anh hùng”.
Ngoài Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Long Thạnh, Bình Đại còn có rất nhiều điểm du lịch di tích lịch sử văn hóa không thể bỏ qua trong hành trình của mỗi du khách khi về tham quan, trải nghiệm du lịch tại Bình Đại, như: Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Long Phụng, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nghinh ông xã Bình Thắng, Đền thờ Huỳnh Tấn Phát, Căn cứ điều trị và nuôi dưỡng thương binh tỉnh Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bia chiến thắng Châu Hưng...
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Đại Lư Văn Nhường cho biết: Để phát huy giá trị các điểm di tích lịch sử văn hóa trong phát triển du lịch huyện, những năm qua, các điểm du lịch di tích lịch sử văn hóa đều được xã, huyện quan tâm đầu tư, tôn tạo, phục vụ tham quan du lịch. Nhờ đó, đến nay những giá trị văn hóa lịch sử của các điểm di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh vẫn được lưu giữ nguyên vẹn và phát huy giá trị lịch sử, góp phần thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Việc phát huy giá trị các điểm di tích lịch sử văn hóa để phát triển du lịch trên địa bàn đã và đang từng bước giúp du lịch Bình Đại khẳng định vị thế trong bản đồ du lịch Việt Nam, là điểm đến ý nghĩa, hấp dẫn, mang tính nhân văn sâu sắc trong hành trình “về nguồn” tìm hiểu các giá trị văn hóa lịch sử của du khách gần xa.
“Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng lượng khách du lịch đến Bình Đại khoảng 120 ngàn lượt. Doanh thu đạt 24 tỷ đồng. Huyện đang có kế hoạch đầu tư tôn tạo, nâng cấp, chỉnh trang các điểm di tích lịch sử văn hóa đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu về các giá trị cốt lõi thời xa xưa; đồng thời thực hiện công tác số hóa các điểm di tích thông qua hình thức quét mã QR để du khách dễ dàng tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn, dễ dàng hơn về các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn”. - (Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Đại Lư Văn Nhường)