Áo dài - “sứ giả” của du lịch Hà Nội
Trong đó, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) được coi là “bàn đạp” để hiện thực hóa mong muốn này.
Người dân Hà Nội và du khách hưởng ứng hoạt động mặc áo dài để quảng bá cho du lịch Thủ đô. Ảnh: Quang Thái
Lan tỏa giá trị văn hóa
Năm nào cũng vậy, từ vài tháng trước khi diễn ra chương trình Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội - một sự kiện thường niên do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, các nhà thiết kế đã bắt tay vào việc lên ý tưởng, tìm chất liệu cho bộ sưu tập của mình.
Là người tham gia từ lễ hội đầu tiên (2016), nhà thiết kế Lưu Quỳnh Lan, chủ nhân thương hiệu áo dài OZ Design House vẫn tràn đầy nhiệt huyết và nguồn cảm hứng để cho ra đời bộ sưu tập “Màu thời gian” gồm 22 mẫu thiết kế mang đậm phong cách truyền thống hòa quyện cùng những nét tinh hoa của văn hóa Hà Nội. Qua đôi bàn tay khéo léo của chị cùng các nghệ nhân làng nghề, “Màu thời gian” đã “thổi” hơi thở truyền thống vào từng tà áo ngũ thân, áo suông kết hợp với chiếc mấn đội đầu tạo nên vẻ thanh lịch, duyên dáng của phụ nữ Hà thành. Không chỉ là một hành trình đầy cảm hứng tìm về với những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, thông qua các thiết kế của bộ sưu tập “Màu thời gian”, nhà thiết kế Lưu Quỳnh Lan còn truyền đi thông điệp về sự phát triển bền vững, qua đó đề cao việc sử dụng các nguyên liệu bản địa cùng tri thức dân gian được kế thừa qua nhiều thế hệ nghệ nhân của các làng nghề dệt lụa, thêu... ở Hà Nội.
Vốn có niềm say mê bất tận với các họa tiết cung đình, từ lâu, nhà thiết kế trẻ Nguyễn Nhật Thực đã tìm tòi, nghiên cứu và tích lũy những kiến thức về hệ thống hoa văn truyền thống của dân tộc. Bộ sưu tập “Thuở vàng son” gồm 18 mẫu áo dài cho trẻ em (trong đó có 2 mẫu cho người lớn) được lấy cảm hứng từ không gian cung đình của Hoàng thành Thăng Long và cố đô Huế. Các họa tiết như “Song loan đoàn phượng”, “Tam sơn thủy ba” trên áo Nhật Bình - một cổ phục của thời nhà Nguyễn đã được nhà thiết kế Nhật Thực kết hợp với các hoa văn Đại Việt để làm điểm nhấn trên áo. Thông qua bộ sưu tập của mình, Nhật Thực cũng mong muốn giúp các em nhỏ tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. “Tôi cố gắng đưa những họa tiết, hoa văn truyền thống vào các mẫu áo để khi mặc, các em nhỏ sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam, qua đó khơi lên niềm tự hào dân tộc, để các em có ý thức gìn giữ di sản của cha ông và nguồn cội của mình” - anh nói.
Để áo dài trở thành sản phẩm du lịch
Trải qua 4 năm tổ chức (2016, 2022, 2023, 2024), Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội đã trở thành sự kiện thường niên được đón đợi. Lễ hội năm nay càng đặc biệt hơn khi được Thành phố chọn là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của chương trình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Chương trình Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của tà áo dài Việt Nam, qua đó đưa áo dài trở thành một sản phẩm quà tặng lưu niệm đối với khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam. Đây cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp của Hà Nội với các doanh nghiệp trong nước, quốc tế; đặc biệt, góp phần quảng bá du lịch Hà Nội “Điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn” vào mỗi dịp mùa thu Hà Nội”.
Diễn ra từ ngày 4 đến 6-10, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 quy tụ 70 nhà thiết kế áo dài nổi tiếng của Hà Nội và ba miền Bắc - Trung - Nam. Các bộ sưu tập được trình diễn tại không gian di sản Hoàng thành Thăng Long trong Lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật “Hà Nội - Tinh hoa áo dài”. Chương trình là dịp ôn lại những câu chuyện về lịch sử hào hùng của Thủ đô gắn với hình ảnh xuyên suốt là tà áo dài có mặt trong những giây phút lịch sử và cuộc sống thường ngày của người Hà Nội.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên, Hà Nội cần có một sản phẩm du lịch gắn với áo dài, theo đó, du khách sẽ được tham quan các làng nghề truyền thống như Làng may áo dài Trạch Xá, Làng thêu Quất Động, Làng lụa Vạn Phúc... hay các phố có nghề may áo dài như Cầu Gỗ, Lương Văn Can để hiểu thêm về các nguyên liệu bản địa tạo nên tà áo dài truyền thống của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần kể cho du khách những câu chuyện về lịch sử của áo dài, cho họ thấy nét khác biệt trong nghề may áo dài của Hà Nội như kỹ thuật khâu tay đặc trưng. Song song với đó, du khách được trò chuyện với nghệ nhân, trải nghiệm một vài công đoạn và khi về sẽ được tặng những bộ áo dài may theo số đo của mình. Như thế, áo dài không chỉ trở thành một sản phẩm lưu niệm du lịch mà còn là một “sứ giả” văn hóa mang lại cảm xúc, ấn tượng sâu đậm và những kỷ niệm đẹp về đất nước và con người Việt Nam trong lòng du khách.
Mỹ An