Lào Cai bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà là sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Ảnh: Báo Lào Cai
Cụ thể, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành đề án số 13 về "Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2011-2015"; Đề án số 08-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về "Phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020"; Đề án số 3 “Phát triển kinh tế du lịch Lào Cai giai đoạn 2015-2020”; Dự án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2017-2020"; Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020”; Đề án số 03 “Phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”...
Lào Cai là tỉnh đa dân tộc, giàu bản sắc văn hóa. Toàn tỉnh có 25 nhóm ngành dân tộc cùng sinh sống, tạo nên một Lào Cai với kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Toàn tỉnh hiện có trên 40 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 56 di tích danh thắng cấp quốc gia và cấp tỉnh, 02 bảo vật quốc gia. Lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, phong tục tập quán văn hóa, trang phục, lễ hội, văn hóa văn nghệ dân gian là nguồn tài nguyên để khai thác, phát triển du lịch, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Tập trung xây dựng các di sản trở thành sản phẩm, điểm đến du lịch hấp dẫn
Với phương châm lấy văn hóa dân tộc là nền tảng và kim chỉ nam cho việc tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút khách du lịch, từ năm 1998, trên cơ sở sở thí điểm của 2 mô hình du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo ở xã Bản Hồ (tiêu điểm là thôn Bản Dền), xã San Sả Hồ (Cát Cát) Sa Pa, năm 2005 Lào Cai đã nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng sang các địa phương khác và là địa phương tiên phong đưa ra sáng kiến “biến di sản thành tài sản”. Ngoài ra Lào Cai còn tích cực bảo tồn không gian văn hóa làng cổ tiêu biểu như: thôn Cát Cát của người Mông xã San Sả Hồ, thôn Sả Séng của người Dao đỏ xã Tả Phìn, thôn Bản Dền của người Tày xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa; thôn Trung Đô của người Tày xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, không gian văn hóa người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; làng văn hóa truyền thống dân tộc Hà Nhì tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý huyện Bát Xát. Cách làm sáng tạo của Lào Cai dựa trên lợi thế khai thác thế mạnh di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch độc đáo, chất lượng.
Để đạt được mục tiêu kép, đó là bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch, xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế với nền tảng văn hóa, di sản bền vững của địa phương, trong thời gian tới tỉnh Lào Cai sẽ hình thành 5 điểm du lịch cộng đồng theo Tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng 05 dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Sa Pa. Trong đó Mường Hoa gắn với văn hóa dân tộc Mông, Bản Hồ gắn với văn hóa dân tộc Tày, Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao, Liên Minh gắn với văn hóa dân tộc Xá Phó, Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy.
Phát huy giá trị cảnh quan, văn hóa truyền thống thu hút du khách
Song song với việc phục dựng các lễ hội truyền thống, Lào Cai triển khai dự án nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hoá nghệ thuật. Sưu tầm, bảo tồn di sản múa, âm nhạc múa các nhóm, ngành dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì ở Lào Cai, hiện nay hầu hết tại các bản du lịch cộng đồng đều có đội biểu diễn văn nghệ. Ngoài việc lưu giữ, truyền dạy cho lớp trẻ những bài múa truyền thống của dân tộc, các đội văn nghệ này còn biểu diễn phục vụ khách du lịch, tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống. Một số đội văn nghệ hoạt động hiệu quả, thường xuyên như đội văn nghệ Cát Cát, đội văn nghệ Na Hối, đội xòe Tà Chải…
Trong thời gian vừa qua ngành văn hóa, ngành du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, chi hội Văn nghệ dân gian, Sở Khoa học Công nghệ nghiên cứu khôi phục các làng nghề, tạo các sản phẩm mới về đồ lưu niệm, về quà tặng phục vụ du khách, điển hình như: Nghề thêu thổ cẩm và vẽ hoa văn sáp ong trên vải lanh của người Mông; nghề dệt của người Tày; nghề chạm khắc bạc, rèn đúc của người Dao; nghề làm đồ mây tre đan của người Xa Phó… ở Sa Pa, các bài thuốc cổ truyền của người Mông ở Si Ma Cai… tạo thành hàng hoá phục vụ khách du lịch tạo thêm nguồn thu nhập cho mỗi hộ gia đình góp phần xoá đói giảm nghèo bằng việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hoá.
Hàng năm tỉnh Lào Cai đều chú trọng bảo tồn phục dựng các lễ hội đặc sắc, mang tính đại diện, tiêu biểu của cộng đồng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân và du khánh tham quan, trải nghiệm. Đến nay, đã có 12 lễ hội đặc sắc của 7 dân tộc: Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, La Chí, Hà Nhì trong tỉnh Lào Cai được khôi phục. Đó là hội “Sải Sán”, lễ “Nào Sồng” của người Mông, “Tết nhảy” của người Dao Đỏ ở Tả Phìn, Sa Pa, “Tết năm mới” của người Dao Tuyển, “Hội rước hồn lúa” của người Dao, “Hội rước nước”, “Hội chơi hang” ở huyện Văn Bàn, “Hội cốm” ở Sa Pa, Bảo Yên, “Lễ mở cửa rừng”, “Hội khô zà za” của người Hà Nhì, “Lễ hội trâu” của người La chí, “Lễ cúng rừng” của người Nùng. Nhiều lễ hội tiêu biểu của được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện tại, Lào Cai là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một số lễ hội có quy mô vùng, quốc gia như lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Mường Khương, lễ hội đền Thượng, đền Bảo Hà, đền Cô Tân An thu hút hàng vạn lượt khách tham dự.
Thời gian qua, tại các điểm du lịch ở Sa Pa, Bắc Hà đã xây dựng và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng với tên gọi "Một ngày làm cô dâu người Mông", "Một ngày làm nông dân người Dao", thi nấu rượu, thi dệt thổ cẩm với sự tham gia của du khách.
Ngoài ra, dựa trên chất liệu văn hóa xây dựng thành show diễn thực cảnh phục vụ khách du lịch. Năm 2022, Ngành du lịch tỉnh Lào Cai đã bắt đầu đưa vào khai thác sản phẩm du lịch văn hóa hoàn toàn mới dựa trên chất liệu cuộc sống, nét văn hóa của đồng bào Sa Pa để xây dựng vở diễn thực cảnh “Sa Pa lặng lẽ yêu - The Mong Show”; “ nghiêng về bên nhau”, “Vũ điệu dưới trăng”… mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, độc đáo.
Các di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh Lào Cai được quản lý, phát huy hiệu quả trở thành điểm du lịch hấp dẫn, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong và ngoài nước. Một số di tích danh thắng luôn đứng trong tốp đầu bình chọn của thế giới như: di tích danh thắng Ruộng bậc thang ở Sapa được Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á, được trang Mother Nature xếp trong danh sách 30 thắng cảnh đẹp nhất hành tinh... Đền Bảo Hà, huyện bảo Yên, Đền Cô huyện Văn Bàn, Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Cấm, Đền Đôi Cô, thành phố Lào Cai đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong và ngoài nước, hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách đến chiêm bái, dâng hương. Nhiều di tích trở thành điểm du lịch hấp dẫn nổi tiếng, điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của tỉnh và vùng. Các địa phương phối hợp khai thác, liên kết di tích thành điểm, tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng. Các di sản trở thành nguồn lực, thế mạnh để phát triển kinh tế du lịch, xây dựng nông thôn mới và con người mới.
Một số bài học kinh nghiệm
Trong giai đoạn 2020-2022, mặc dù Lào Cai chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch Covid-19, song đến năm 2023 du lịch phục hồi mạnh mẽ, Lào Cai đã đón được 7,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch toàn tỉnh đạt trên 22.244 tỷ đồng, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của việc khai thác các giá trị của di sản văn hóa, chủ yếu dựa trên chất liệu di sản văn hóa dân tộc.
Để có được kết quả đó, Lào Cai đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau: Một là, luôn quan tâm, chú trọng và đề cao vai trò của ngành văn hóa, bản sắc văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hai là, coi văn hóa là yếu tố nội lực của du lịch, là sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Xác định mục tiêu chiến lược “Đến năm 2050 Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm xanh và thông minh hàng đầu Việt Nam và Khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình”.
Ba là, phát huy vai trò truyền lửa của các nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú trong công tác trao truyền, thực hành và phát huy giá trị của di sản trong cộng đồng, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Coi trọng đội ngũ nghệ nhân, người am hiểu, người có uy tín trong cộng đồng, phát huy tối đa vai trò của họ trong việc cống hiến, truyền lửa và trao truyền di sản trong cộng đồng.
Bốn là, định hướng thát triển du lịch cộng đồng dựa trên hoạt động khai thác tài nguyên nhân văn, đó chính là di sản văn hóa các dân tộc Lào Cai một cách bền vững: đề cao tính cộng đồng, phải có được sự tham gia rộng rãi của người dân, người dân phải trở thành chủ thế, được đảm bảo lợi ích. Phải có sự liên kết chặt chẽ về quyền lợi và nghĩa vụ giữa nhà nước, người dân tham gia làm du lịch, doanh nghiệp du lịch.
Năm là, quy hoạch bài bản, khoa học đối với các điểm, cụm di tích, danh lam nổi tiếng trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước. Xây dựng các sản phẩm quà tặng từ di tích đối với du khách. Liên kết du lịch cộng đồng với du lịch tâm linh tạo ra sản phẩm mới cho phát triển du lịch của địa phương, bảo tồn di sản văn hóa trên định hướng phát triển để bảo tồn và phát triển.
Sáu là, “Biến di sản thành tài sản” bằng cách bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, di tích danh thắng gắn với phát triển du lịch, phục vụ phát triển du lịch dựa trên nền tàng khai thác văn hóa bản địa, di sản của cộng đồng.
Bảy là, tăng đầu tư cho hoạt động trùng tu tôn tạo, quảng bá, nghiên cứu khoa học di tích, liên kết các di tích thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng phục vụ khai thác phát triển du lịch; công tác tu bổ, tôn tạo di tích huy động từ nhiều nguồn trong đó nguồn xã hội hóa triển khai hiệu quả, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Trung tâm Thông tin du lịch