Hoạt động của ngành

Bà Rịa - Vũng Tàu: Điểm sáng giữa đại dịch

Cập nhật: 29/06/2021 08:43:36
Số lần đọc: 799
Đó là những khách sạn, resort chuyên đón phân khúc khách chuyên gia công tác dài hạn tại Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT). Ngoài ra còn có một số khách sạn, resort duy trì mở cửa dù không có khách. Trong bối cảnh du lịch cả nước “ngủ đông”do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đây là những điểm sáng về nỗ lực xây dựng hình ảnh du lịch BR-VT chuyên nghiệp, an toàn giữa đại dịch.  


Khách sạn - căn hộ DIC Star Landmark Vũng Tàu khử khuẩn thường xuyên những khu vực công cộng.

Sáng đèn qua 4 đợt dịch

Chúng tôi đến Khách sạn - căn hộ DIC Star Landmark Vũng Tàu vào một buổi sáng giữa tuần. Ngay cạnh cửa ra vào, bảng hướng dẫn 5K màu sắc tươi tắn thu hút sự chú ý của người qua lại. Nước rửa tay sát khuẩn và quầy đo thân nhiệt cũng được đặt cạnh bên. Toàn khuôn viên vắng vẻ. Thi thoảng mới có 1 vị khách trong bộ đồng phục công sở bước ra. Tiếp chúng tôi, ông Vũ Đức Truyện, Giám đốc Khách sạn - căn hộ DIC Star Landmark Vũng Tàu cho biết, từ giữa tháng 5 đến nay, khi dịch COVID-19 bùng phát phức tạp tại nhiều tỉnh thành, khách sạn không đón khách du lịch nữa mà tập trung bảo đảm an toàn cho khách lưu trú dài hạn. Nhờ vậy toàn bộ hoạt động vẫn bình ổn, bộ máy nhân sự giữ nguyên, mức lương của người lao động được duy trì. Thời điểm hiện tại, đơn vị đang phục vụ 160 khách lưu trú dài hạn, chiếm hơn 70% công suất.

Ngoài Khách sạn - căn hộ DIC Star Landmark Vũng Tàu, một số khách sạn khác cũng đón phân khúc khách chuyên gia lưu trú dài hạn thời điểm này như: cụm khách sạn Grand - Palace - Rex, Petro Hotel, Pullman… Ông Hoàng Văn Thiện, Phó Giám đốc cụm khách sạn Grand - Palace - Rex cho biết, đơn vị đang phục vụ 100 khách lưu trú dài hạn. Nhóm khách này chủ yếu là các chuyên gia, kỹ sư công tác tại các dự án trọng điểm trong ngành dầu khí, điện trên địa bàn. Ông Thiện cho biết thêm, trải qua 3 lần dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng suốt năm 2020 nhờ đón phân khúc khách này mà hoạt động kinh doanh của cụm khách sạn không bị “đứt gãy”.

Bên cạnh nhóm khách sạn có khách dài hạn, một số cơ sở lưu trú lớn như: Vietsovpetro Resort, Lan Rừng Resort Phước Hải, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino… cũng cố gắng duy trì hoạt động nhằm tạo tính liên tục trong kinh doanh. Sau nửa tháng tạm đóng cửa, từ ngày 16/6, Lan Rừng Resort Phước Hải mở cửa trở lại. Theo bà Đồng Thị Thu Hồng, Giám đốc Kinh doanh và Truyền thông Lan Rừng Resort Phước Hải, mỗi tháng đơn vị phải trả hơn 5 tỷ đồng lương, chi phí, lãi cam kết với các nhà đầu tư thứ cấp… Trong lúc dịch còn diễn biến phức tạp, mở cửa trở lại chắc chắn sẽ thua lỗ thêm vì không có khách, song đơn vị vẫn chấp nhận nhằm duy trì chất lượng nhân lực, giữ chân lao động, duy tu cơ sở vật chất và giữ mối liên hệ thường xuyên với khách hàng để khởi động trở lại ngay khi dịch được kiểm soát.

Mong muốn sớm nới lỏng dịch vụ nhà hàng

Ghi nhận tại các cơ sở lưu trú đang hoạt động, an toàn phòng dịch được đặt lên hàng đầu. Tất cả các cơ sở đều không nhận khách đến từ vùng có dịch. Nguyên tắc 5K được thực hiện nghiêm. Nhân viên đeo khẩu trang, kiểm tra theo dõi thân nhiệt, khai báo y tế hàng ngày. Tăng tần suất tẩy rửa các khu vực công cộng, khuyến cáo khách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Khách lưu trú phải khai báo y tế hàng ngày. Nhân viên hạn chế tối đa tiếp xúc với khách, giao dịch, liên hệ chủ yếu qua điện thoại, khách ăn uống được phục vụ tại phòng.

Tuy nhiên, đại diện các khách sạn đang đón khách lưu trú dài hạn mong muốn tỉnh cho phép dịch vụ ăn uống, nhà hàng trong khách sạn được phục vụ tại chỗ 50% sức chứa. Ông Vũ Đức Truyện cho hay, phục vụ khách ăn uống tại phòng rất cực, nhân viên phải vào bếp từ 2 giờ sáng chế biến, đóng hộp rồi giao tận phòng theo giờ khách yêu cầu. Thực đơn cũng hạn chế món vì khách sạn không thể đáp ứng tất cả yêu cầu món ăn của khách. “Khách lưu trú dài hạn đều được kiểm soát chặt chẽ về y tế hàng ngày. Họ cũng mong muốn được ăn ở nhà hàng cho bớt tù túng. Do vậy, chúng tôi mong muốn UBND tỉnh nới lỏng dịch vụ ăn uống, nhà hàng trong khách sạn theo hướng mỗi lần phục vụ không quá 50% sức chứa kèm điều kiện đảm bảo khoảng cách giữa các bàn ăn theo quy định”, ông Truyện kiến nghị.

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, qua theo dõi tình hình phòng dịch tại BR-VT, Sở nhận thấy khâu sàng lọc nguồn khách được thực hiện rất chặt. Khối doanh nghiệp du lịch nghiêm túc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch. Vì vậy, Sở Du lịch cũng đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho phép hoạt động dịch vụ ăn uống, nhà hàng với điều kiện phục vụ mỗi lần không quá 50% công suất, bàn ăn sắp xếp đảm bảo khoảng cách hoặc có tấm chắn giọt bắn giữa các bàn ăn; mở cửa hoạt động casino, trò chơi điện tử có thưởng tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các bãi tắm do các khách sạn, khu nghỉ dưỡng quản lý./.

Bài, ảnh: Minh Hương

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Cùng chuyên mục