Thừa Thiên Huế: Ba bước giải pháp tái khởi động, phục hồi hoạt động du lịch
Thiền trên nước là sản phẩm mới được khai thác tai Alba Thanh Tân nhằm thu hút khách nội tỉnh
Đề xuất nhiều phương án
Báo cáo nhanh tại buổi làm việc từ Sở Du lịch, lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng hơn 600 nghìn lượt, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, khách quốc tế (đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam) đạt khoảng 15,5 nghìn lượt, giảm 97% so với cùng kỳ năm 2020; khách nội địa đạt khoảng 590 nghìn lượt, giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020. Khách lưu trú phục vụ khoảng 385 nghìn lượt, giảm khoảng 31% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch 6 tháng đạt khoảng 885 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm 2019.
Để du lịch phục hồi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh trong tỉnh đang kiểm soát tốt, Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, cần có chính sách và sản phẩm phù hợp, quảng bá đúng trọng tâm. Về khách du lịch nội tỉnh sẽ thực hiện các biện pháp kích cầu bằng giảm giá, liên kết dịch vụ, giới thiệu những sản phẩm du lịch mới phù hợp với nhu cầu.
Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, Hiệp hội đang xây dựng gói sản phẩm cho du khách Huế trải nghiệm lưu trú, thưởng thức các món ăn được chế biến tinh tế, học chế biến các món ăn, bơi và chăm sóc sức khỏe tại các khách sạn 4 - 5 sao trong thành phố vào những ngày trong tuần. Khuyến khích các resort ở những khu vực xa trung tâm liên kết, tạo ra gói sản phẩm như tắm biển, nghĩ dưỡng, ngâm tắm nước khoáng, tắm suối và lưu trú, thưởng thức ẩm thực tại các resort vào ngày cuối tuần.
Một giải pháp khác là trong thời gian đến ngành du lịch sẽ tổ chức các đoàn khảo sát những điểm du lịch kết hợp với suối, thác, ao hồ; khuyến khích đầu tư khai thác dịch vụ outdoor accomodation (lưu trú, nghỉ dưỡng và trải nghiệm ngoài trời) để thu hút khách trong tỉnh, khách các tỉnh lân cận đi du lịch bằng phương tiện cá nhân, muốn tìm các trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và đảm bảo việc giãn cách xã hội trong bối cảnh “sống chung với virus”.
Về khách du lịch ngoại tỉnh, mỗi thị trường khách cần có những chiến lược về sản phẩm và cách thức quảng bá riêng để thu hút. Do đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh đề xuất tỉnh nghiên cứu áp dụng thí điểm “giấy thông hành vaccine” dành cho khách du lịch nội địa đến tham quan Huế. Hiện tại, tốc độ tiêm vaccine đã được đẩy nhanh và Huế cần tiên phong áp dụng việc chấp thuận những khách du lịch đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đi du lịch Huế mà không áp dụng biện pháp cách ly nếu không đến từ điểm dịch. Thậm chí, nếu đến từ điểm dịch thì có thể áp dụng biện pháp test nhanh trong vòng 24h có kết quả. Nếu kết quả âm tính kèm theo chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì khách đó được tự do tham quan Huế.
Các doanh nghiệp cho rằng, tỉnh cần sớm có những chính sách mới về miễn, giảm phí tham quan di sản. Áp dụng miễn phí vé tham quan các di tích, điểm tham quan trong thành phố cho các công ty lữ hành tại Huế khai thác đối tượng khách học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu lịch sử, khám phá thành phố, trải nghiệm cắm trại... trong dịp hè.
Các doanh nghiệp cần kết nối tốt để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn du khách (City tour mặc áo dài ngũ thân đi xe điện là sản phẩm mà doanh nghiệp có thể khai thác)
Có quy trình khai thác an toàn
Căn cứ vào diễn biến của tình hình dịch bệnh trong nước hiện nay và chủ trương hành động quyết liệt của Chính phủ, có thể khả năng đợt dịch lần 4 sẽ được kiểm soát hoàn toàn trong vào cuối tháng 8. Ngoài ra, thông tin từ Bộ Y tế, dự kiến vào cuối năm 2021, Việt Nam sẽ tiêm chủng vaccine cho khoảng 70% dân số để miễn dịch cộng đồng. Với các kịch bản trên, đòi hỏi ngay từ bây giờ phải có các phương án khai thác linh hoạt, trước mắt là thị trường nội địa, nội vùng, nội tỉnh. Việc chủ động với các giải pháp cụ thể trong thời gian tới là điều cần thiết, được lãnh đạo UBND tỉnh đặt ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, để tái khởi động, phục hồi ngành du lịch phải có giải pháp đồng bộ gồm ba bước. Trước hết là tăng cường tuyên truyền điểm đến an toàn, được thực hiện nhất quán từ chính quyền, đến từng doanh nghiệp, người phục vụ du lịch và cộng đồng. Bước thứ hai là xác định đối tượng khách, phạm vi khai thác. Trước mắt có những hoạt động thu hút khách nội tỉnh, tiếp đến khách liên vùng. Bước ba có giải pháp dài hơi, có tính chiến lược cho trạng thái bình thường mới.
“Tính chủ động của ngành du lịch, tính sẵn sàng của các điểm đến là yếu tố then chốt. UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Du lịch xây dựng một phương án, quy trình tổ chức khai thác cụ thể, đảm bảo an toàn khi hoạt động. Ngay trong tuần sau, báo cáo phương án với lãnh đạo tỉnh để xem xét triển khai kịp thời. Về sự chủ động khai thác khách liên vùng, ngành du lịch cũng nghiên cứu những giải pháp, phối hợp khai thác, quy trình như thế nào để vừa an toàn vừa hiệu quả”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình yêu cầu.
Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị, đây là giai đoạn khó khăn, do đó, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các Hội Lữ hành, Lưu trú, mỗi doanh nghiệp… phát huy vai trò, cần đoàn kết, bắt tay với nhau để vượt qua khó khăn. Kết nối tốt với nhau, có những sản phẩm, chương trình mới, góp phần đưa hoạt động du lịch sôi động trở lại; cùng với tỉnh phấn đấu thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế./.
Bài, ảnh: Đức Quang