Bắc Giang xúc tiến điểm đến du lịch tại Hà Nội
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TITC
Hội nghị do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang tổ chức nhằm xây dựng hình ảnh du lịch tỉnh Bắc Giang thông qua liên kết thành một hành trình du lịch xanh; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết quảng bá, xây dựng, định vị thị trường; giới thiệu chương trình kích cầu du lịch năm 2025, giới thiệu các điểm đến du lịch mới, hấp dẫn du khách. Đây cũng là dịp để các đại biểu thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Du lịch Bắc Giang.
Bắc Giang - Điểm đến du lịch xanh
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết, Bắc Giang được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh quan đẹp có giá trị về tài nguyên du lịch sinh thái như: Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, suối nước vàng, thác Ba Tia, Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Bên cạnh đó, Bắc Giang còn có vùng cây ăn quả rộng lớn tại thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên với 4 mùa hoa trái xanh tươi, nơi đây đang trở thành vựa trái cây lớn nhất khu vực miền Bắc… Bắc Giang còn là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống và đặc sản, sản vật nổi tiếng như: vải thiều Lục Ngạn, mỳ chũ, bánh đa Kế, rượu Làng Vân…
Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: TITC
Bắc Giang hiện có 2.237 di tích được trải khắp 10 huyện, thị xã, thành phố và sở hữu 4 di sản thế giới (gồm di sản phi vật thể dân ca quan họ, ca trù, Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản Tư liệu ký ức thế giới, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương); 17 di sản văn hóa phi vật quốc gia tiêu biểu.
Bắc Giang xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; mục tiêu đến năm 2030 hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh có quy mô lớn có thương hiệu, định hướng từng bước phát triển trở thành khu du lịch quốc gia, là điếm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Cùng với lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch, hiện nay Bắc Giang đang xây dựng phát triển 4 loại hình sản phẩm du lịch chủ lực gồm: du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Ông Đỗ Tuấn Khoa cho biết thêm, thời gian tới, Bắc Giang đưa ra định hướng phát triển 5 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, huyện Lục Nam - khu vực phía Đông Nam của tỉnh); không gian du lịch gắn với Khởi nghĩa Yên Thế (huyện Yên Thế, huyện Tân Yên - khu vực phía Tây Bắc của tỉnh); không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí (TP. Bắc Giang, thị xã Việt Yên - khu vực trung tâm và phía Nam của tỉnh); không gian du lịch sinh thái nông nghiệp (huyện Lục Ngạn, huyện Lục Nam - khu vực phía Đông Bắc của tỉnh); không gian văn hóa Quan họ (thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa - khu vực Tây Nam của tỉnh).
Tạo sức hút cho du lịch Bắc Giang
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ cho rằng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Bắc Giang, tỉnh cần quan tâm phối hợp để liên kết đi vào thực chất, hiệu quả, thường xuyên tổ chức các nhóm công tác phối hợp chia sẻ, nắm bắt tình hình sản phẩm, khách hàng, quảng bá xúc tiến nhằm tận dụng thế mạnh của tỉnh với các sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng dựa trên giá trị lịch sử, văn hóa và lợi thế tài nguyên tự nhiên với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao; chú trọng kết nối với các vùng, miền trong cả nước để đa dạng hóa nguồn khách hàng. Đặc biệt là các tỉnh, thành phố là trạm trung chuyển khách trong và ngoài nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn và TP. Hồ Chí Minh…
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đánh giá và cơ cấu lại thị trường cũng như đối tượng khách du lịch trong nước và quốc tế để từ đó dựa trên thế mạnh của địa phương xây dựng các sản phẩm đa dạng, có sức cạnh tranh cao, thu hút khách dòng du lịch cao cấp, có mức chi tiêu tốt và lưu trú dài ngày như: du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); quan tâm, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với yếu tố “xanh”, bền vững với phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch là trung tâm”.
Ngoài ra, Bắc Giang cần tăng cường liên kết, hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá và thu hút khách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá; xây dựng nền tảng số kết nối, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch cho du khách; có các giải pháp thiết thực và hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thu hút nguồn nhân lực có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến qua việc xây dựng sản phẩm du lịch an toàn, chất lượng, đa dạng, hấp dẫn; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Bắc Giang gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất Bắc Giang.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận tìm các giải pháp, cách làm cụ thể để khơi dậy tiềm năng, lợi thế để Bắc Giang phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh; đưa ra các biện pháp thực tế, có tính khả thi cao nhằm xây dựng được những sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, du lịch nông nghiệp nông thôn trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách du lịch đến với Bắc Giang.
Ký Biên bản ghi nhớ Hợp tác liên kết phát triển điểm đến du lịch Xanh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2025-2030 giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Giang với Liên Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam. Ảnh: TITC
Trong khuôn khổ Hội nghị có hoạt động ký kết hợp tác liên kết trong quảng bá, xúc tiến giới thiệu điểm đến, tour, tuyến với du lịch Bắc Giang.
Trung tâm Thông tin du lịch